Báo Đồng Nai điện tử
En

Luồng gió mới cho nông nghiệp

10:10, 12/10/2015

Trong danh mục những lĩnh vực đầu tư thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư) công bố hàng tháng, hàng năm, chưa bao giờ nông nghiệp được xếp ở thứ hạng cao.

Trong danh mục những lĩnh vực đầu tư thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư) công bố hàng tháng, hàng năm, chưa bao giờ nông nghiệp được xếp ở thứ hạng cao. Thứ hạng cao luôn luôn là những lĩnh vực “hot” khác sinh lời nhanh hơn, như: công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, dịch vụ… Có nhiều nguyên nhân khiến nông nghiệp luôn xếp cuối bảng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, như: hoạt động sản xuất khu vực nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro hơn các lĩnh vực khác do chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết, thiếu đảm bảo về kết cấu hạ tầng, đất đai và nguồn nhân lực; nông nghiệp Việt Nam vẫn mang tính sản xuất nhỏ manh mún, tự cung tự cấp; thiếu tính chuyên môn, thiếu tính liên kết, bao gồm cả liên kết dọc theo chuỗi ngành hàng và liên kết ngang một cách ổn định và bền vững; chính sách, chiến lược, định hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp còn thiếu và bất cập…

Tuy nhiên, đáng mừng là vài năm trở lại đây, nông nghiệp Đồng Nai đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, từ đầu năm 2015 đến nay, đã có hàng chục đoàn doanh nghiệp nước ngoài từ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia… đến Đồng Nai tìm cơ hội đầu tư vào ngành nông nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp này đều có trình độ công nghệ cao, quan tâm đến nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp: sản xuất giống, phân bón, sản xuất thức ăn chăn nuôi, trồng và chế biến nông sản xuất khẩu...

Thật ra, ngay từ giữa năm 2014, các nhà đầu tư Nhật Bản đã có nhiều chuyến thăm, khảo sát tại Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại nhiều nơi. Đặc biệt, cùng với TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đồng Nai đã đạt được thỏa thuận hợp tác với phía Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp, biểu hiện bằng biên bản ghi nhớ hợp tác ký tại Đồng Nai vào cuối tháng 1-2015. Theo thỏa thuận, phía Nhật Bản sẽ khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đến đầu tư vào Đồng Nai, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ cũng như hợp tác với Việt Nam xây dựng chuỗi nông nghiệp từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến lưu thông phân phối. Trong đó, Đồng Nai sẽ được chọn để thực hiện các mô hình thí điểm, mô hình mẫu từ khâu giống đến sản xuất, sơ chế, chế biến.

Kể từ cuối năm 2014 đến nay, đã có một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chính thức đầu tư vào nông nghiệp tại Đồng Nai, như: Công ty Sol Holding Việt Nam (Nhật Bản) trồng và chế biến cây cao lương; Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và dự kiến tới đây tiếp tục đầu tư nhà máy sản xuất kim chi xuất khẩu.

Đáng chú ý là mối quan tâm trong lĩnh vực nông nghiệp của những doanh nghiệp nước ngoài đến Đồng Nai đã rộng lớn hơn, từ trồng trọt, chế biến, sơ chế, sản xuất phân bón… chứ không chỉ gói gọn trong ngành chăn nuôi thông qua việc sản xuất thức ăn chăn nuôi và lập chuỗi trang trại như một số doanh nghiệp nước ngoài lớn mạnh đã thành công, như: C.P, Japfa, Emivest, Cargill…

Cũng như nhiều ngành nghề khác, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thay đổi lớn lao về thị trường, cung cách sản xuất, hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm… khi các hiệp định thương mại quan trọng như TPP đi vào thực tế. Hy vọng rằng, cùng với sự góp mặt của các doanh nghiệp lớn, dày dạn kinh nghiệm trong và ngoài nước, nông dân sẽ tìm ra hướng sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường, dưới sự hợp tác và dẫn dắt của doanh nghiệp. Cơ hội ngang bằng với thách thức, song nói như ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, thì phải “biết người, biết mình” để nắm được cơ hội trong tay và giai đoạn đầu hội nhập có thể có nhiều khó khăn, nhưng khi vào thực tiễn, doanh nghiệp, nông dân sẽ biết cần phải làm gì.

Vi Lâm

Tin xem nhiều