Trung tuần tháng 10 qua, Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh - một doanh nghiệp Việt Nam non trẻ (chính thức thành lập từ năm 2010) - đã khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 200 ngàn tấn/năm với số vốn đầu tư 180 tỷ đồng.
Trung tuần tháng 10 qua, Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh - một doanh nghiệp Việt Nam non trẻ (chính thức thành lập từ năm 2010) - đã khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 200 ngàn tấn/năm với số vốn đầu tư 180 tỷ đồng. Ít ai biết, Bình Minh đi lên từ một doanh nghiệp nhỏ không tên tuổi, giữa lúc thị trường thịt gia cầm phần lớn bị chi phối bởi một số “đại gia” có vốn đầu tư nước ngoài. Bình Minh đã làm được những điều không dễ: nâng tổng đàn chiếm khoảng 10% toàn bộ lượng gà tại Đồng Nai, thương hiệu gà Bình Minh có mặt tại nhiều thị trường và vào được hệ thống siêu thị lớn tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, khu vực Tây Nguyên… Tổng vốn đầu tư vào khâu chăn nuôi, sản xuất gia cầm của Bình Minh đến nay đã lên đến 5 triệu USD và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới khánh thành chỉ là một phần trong chuỗi sản xuất từ con giống đến thành phẩm của Bình Minh.
Câu chuyện của Bình Minh dù mang tính đột phá, nhưng không phải là chuyện hiếm, bởi dù được đoán định là sẽ gặp nhiều khó khăn khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, chăn nuôi vẫn là ngành rất thu hút nhà đầu tư những năm gần đây. Từ các công ty lớn như C.P đến những doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, như: Thanh Đức, Phú Sơn, Đồng Hiệp… vẫn đều đặn rót vốn vào chăn nuôi, từ gà đến bò, heo, sản xuất trứng… Kéo theo đó là những mắt xích khác, như: sản xuất con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến…
Với một thị trường 94 triệu dân như nước ta, lượng tiêu thụ thịt và các sản phẩm khác từ chăn nuôi được tính toán sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa. Thế mạnh của Đồng Nai là đã sớm phát triển chăn nuôi trang trại chuyên nghiệp theo chuỗi khép kín từ con giống đến sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Khi TPP đạt được những thỏa thuận cốt lõi trên bàn đàm phán tại Hoa Kỳ ngày 5-10 vừa qua, nhiều ý kiến lo lắng chăn nuôi sẽ trở thành “vật tế thần” khi Việt Nam hội nhập để đổi lấy những thuận lợi cho các lĩnh vực khác, như: xuất khẩu dệt may, giày dép… thì nhiều doanh nghiệp vẫn giữ sự lạc quan kiên định, một phần vì họ biết, chỉ khi đặt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt mới có thể trưởng thành và tốt hơn hiện tại. Bản thân những điều khoản ràng buộc chặt chẽ của những “sân chơi lớn” cũng sẽ giúp họ hạn chế lối làm ăn tiểu nông, cạnh tranh thiếu lành mạnh… mà trước nay họ vẫn phải chịu đựng. Chính vì vậy, dù rất nhiều thách thức chờ đợi trước mắt, song quan điểm chung của nhiều chủ doanh nghiệp, trang trại là mạnh dạn đầu tư và sẵn sàng hết mức có thể để chuẩn bị cạnh tranh.
Chia sẻ trên Báo Đồng Nai, ông Dương Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bình Minh, từng nói trong suy nghĩ của ông, những thách thức trong cuộc sống lẫn kinh doanh không phải luôn là điều xấu: “Tôi nhận ra không có việc gì gọi là luôn luôn tốt, hoặc luôn luôn xấu và phải tìm cách vượt qua những thăng trầm đó. Tôi chưa từng trải qua việc gì thuận tiện ngay từ đầu, và tôi chấp nhận nó, vì nếu chỉ toàn thuận tiện, người ta đã làm hết, không đến phần mình”.
Vi Lâm