Báo Đồng Nai điện tử
En

Giá trị truyền thống

10:10, 19/10/2015

Khi chưa bước sang thế kỷ XXI, hầu hết nữ sinh THPT Việt Nam hầu hết được mặc chiếc áo dài trắng tinh khôi đến trường. Tà áo dài ngày ấy theo suốt thời thiếu nữ của họ, gắn bó keo sơn.

Khi chưa bước sang thế kỷ XXI, hầu hết nữ sinh THPT Việt Nam hầu hết được mặc chiếc áo dài trắng tinh khôi đến trường. Tà áo dài ngày ấy theo suốt thời thiếu nữ của họ, gắn bó keo sơn. Việc diện chiếc áo dài cũng lắm công phu khi các thiếu nữ được người bà, người mẹ, người chị trong gia đình chỉ vẽ nết na của người con gái: rèn cách đi đứng sao cho từ tốn để không vướng tà, cách ngồi xe khi mặc áo dài cho kín đáo, lịch thiệp, tính cẩn trọng để giữ áo trắng tinh tươm suốt cả năm học...

Ngày nay, khi hội nhập với thế giới, phụ nữ Việt Nam có nhiều lựa chọn trang phục hơn, nhiều mốt thời trang hơn, và chiếc áo dài cùng tâm lý người mặc nó cũng đã khác. Cũng có thể nhịp sống công nghiệp vội vã hơn, vì nhiều lý do, một số trường THPT đã cắt giảm lịch mặc đồng phục áo dài đối với nữ sinh. “Cơ hội” để các em mặc áo dài được rút còn vài buổi trong tuần, hoặc chỉ vào sáng thứ hai. Sẽ không có gì đáng bàn nếu như một bộ phận các nữ sinh không “ngán ngẩm” đồng phục áo dài, để thay vào đó là việc đặc biệt tôn thờ kiểu thời trang “hở trên ngắn dưới” như hiện nay. Nếu đến cổng trường THPT vào giờ tan trường, xem cách nữ sinh đi đứng, ngồi xe khi mặc trang phục truyền thống có thể thấy được “hương đồng gió nội” đã bay đi đáng kể. Càng buồn hơn khi gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip các nữ sinh cột tà áo dài lại rồi chửi bới, túm tóc, đánh nhau...

Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ngày phụ nữ Việt Nam (20-10), bàn về câu chuyện áo dài để thấy rằng phía sau bộ trang phục truyền thống của dân tộc là nhận thức của cả một thế hệ phụ nữ. Áo dài toát lên vẻ đẹp thiêng liêng và duyên dáng, cũng xuất phát từ người mặc đã thể hiện sự dịu dàng, kín đáo thông qua sự trân trọng chọn trang phục truyền thống. Những giá trị về nhận thức và đức tính của phụ nữ cần được trân trọng gìn giữ, trao truyền giữa các thế hệ phụ nữ trong mỗi gia đình và nhân rộng trong toàn xã hội. Có như thế, những chuyện không hay, như: phụ nữ Việt Nam kết hôn với người ngoại quốc vì lợi ích kinh tế, nữ sinh đánh nhau, mẹ đốt con, phụ nữ vướng vào vòng quay mại dâm, ma túy… sẽ không còn xuất hiện khiến dư luận xôn xao.

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã, đang và sẽ tập trung thông tin tuyên truyền về sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào khu vực và thế giới. Đặc biệt việc Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức hình thành vào ngày 31-12-2015, các nước ASEAN sẽ hợp tác không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, an ninh - quốc phòng mà còn trên lĩnh vực văn hóa. Chính sự giao thoa giữa các nền văn hóa giúp phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ trẻ, được học tập trao đổi kinh nghiệm, song cũng sẽ khiến họ sẽ dễ bị “hòa tan”.

Để không đánh mất vẻ đẹp vốn có của mình, không có “vaccine” nào quý giá hơn là việc trang bị nhận thức về bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị truyền thống cốt lõi. Liều vaccine ấy, có tiền chưa chắc mua được, mà nó đòi hỏi người phụ nữ ngoài nỗ lực khẳng định năng lực của mình còn phải trau dồi kỹ năng sống từ trong mỗi gia đình và xã hội. Và nên chăng bắt đầu từ tà áo dài nền nã, vốn đã tôn vẻ đẹp phụ nữ Việt bao đời nay.

Mỹ Ngôn

 

Tin xem nhiều