Cùng với hơn 22 triệu học sinh trong cả nước, trên 618 ngàn học sinh toàn tỉnh đã trải qua một lễ khai giảng với nhiều hoạt động thú vị.
Cùng với hơn 22 triệu học sinh trong cả nước, trên 618 ngàn học sinh toàn tỉnh đã trải qua một lễ khai giảng với nhiều hoạt động thú vị. Lễ khai giảng mở ra nhiều hy vọng cho một năm học với nhiều đổi mới từ công tác quản lý đến chương trình giáo dục phổ thông, kiểm tra, thi cử, đánh giá học sinh, điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia…
Tại lễ khai giảng, nhiều học sinh, giáo viên đã bày tỏ những mong muốn chính đáng đối với các cấp lãnh đạo ngành GD-ĐT và mong muốn nhận được sự chung tay, giúp đỡ của các tổ chức xã hội, mạnh thường quân trong công tác xã hội hóa giáo dục. Bởi lẽ, thầy trò sẽ khó có thể tiếp cận được những phương pháp dạy, học mới nếu các thiết bị tiên tiến bị “trùm mền” vì hư hỏng, hay để lấy phòng cho học sinh học. Làm sao các em có thể tiếp thu bài giảng, phát huy khả năng sáng tạo, tự học, phát triển toàn diện cả về trí - thể - mỹ nếu đang giữa trưa nắng phải cắp sách đến trường với bao mệt mỏi, rồi ngủ gật ngay trên bàn học? Sẽ quá thiệt thòi cho các em nếu suốt 5 năm học tiểu học chỉ được dự lễ khai giảng duy nhất một lần vào năm lớp 1, còn những năm sau đó, phải ngồi ở nhà vì sân trường không đủ chỗ.
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT liên tục có những văn bản chỉ đạo các sở GD-ĐT tích cực phối hợp, chủ động trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên để thích ứng với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp tới. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ đã rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, loại bỏ những phần trùng lặp, xa rời thực tế và không phù hợp với trình độ, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Thế nhưng khi được hỏi về mong muốn trong năm học mới, một học sinh lớp 1 (mới học được 2 tuần ở trường) đã bày tỏ: “Em mong cô giáo giao ít bài tập về nhà thôi, bởi em làm không kịp”.
Nhiều giáo viên đã không ngần ngại thừa nhận, trước khi bước vào nghề, họ mang trong mình một ngọn lửa yêu trẻ, yêu nghề tha thiết. Tuy vậy, do đồng lương giáo viên quá thấp, phải loay hoay với bài toán cơm áo nên thật khó để đòi hỏi ở giáo viên vừa có những phương pháp giảng dạy mới, hấp dẫn, lý thú vừa hoàn thành tốt cả chồng hồ sơ, sổ sách, kiểm tra, đánh giá học sinh theo kiểu mới.
Năm học vừa qua, Đồng Nai có hơn 2,3 ngàn học sinh phải bỏ học, đa số vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và học yếu. Nếu so với hơn 600 ngàn học sinh toàn tỉnh, số học sinh bỏ học chỉ chiếm 0,51%. Tuy nhiên, để 2,3 ngàn học sinh này ra ngoài đời mà không được học hành, không được giáo dục đến nơi đến chốn, hẳn sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho bản thân các em, gia đình và xã hội.
Năm học này, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục thực hiện kỳ thi THPT quốc gia như năm 2015 nhưng sẽ có những điều chỉnh, khắc phục những hạn chế của năm vừa qua. Nhiều học sinh lớp 12, phụ huynh và rất nhiều giáo viên đã bày tỏ băn khoăn, lo lắng và khẩn thiết mong muốn Bộ GD-ĐT sớm đưa ra những giải pháp giải quyết triệt để những rắc rối trong đợt tuyển sinh vừa qua, không mang học sinh ra làm “chuột bạch” (thử nghiệm - TS), để phụ huynh, học sinh không phải nhốn nháo, lao đao rút, nộp, chơi trò may rủi như trên “sàn chứng khoán” một lần nữa.
Rất nhiều kỳ vọng cho một năm học mới...
An Yên