Báo Đồng Nai điện tử
En

"Cởi" phí cho gà

10:08, 10/08/2015

Khởi đi từ ý kiến của một nông dân TP.Hồ Chí Minh trong một buổi tiếp xúc với đoàn đại biểu Quốc hội, rồi trở thành vấn đề gây tranh luận tại nghị trường trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, câu chuyện "một con gà cõng 14 loại phí" sau đó đã nhanh chóng nóng lên trên các diễn đàn, từ mạng internet đến báo chí chính thống.

 

Khởi đi từ ý kiến của một nông dân TP.Hồ Chí Minh trong một buổi tiếp xúc với đoàn đại biểu Quốc hội, rồi trở thành vấn đề gây tranh luận tại nghị trường trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, câu chuyện “một con gà cõng 14 loại phí” sau đó đã nhanh chóng nóng lên trên các diễn đàn, từ mạng internet đến báo chí chính thống.

Ngay sau đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cũng tổ chức hội thảo, lấy ý kiến nông dân, làm văn bản giải trình, kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Bộ Tài chính đề nghị bãi bỏ những loại phí vô lý khiến giá thành chăn nuôi tại Việt Nam đội lên cao, mất sức cạnh tranh với thịt nhập khẩu trên thị trường...

Rất đáng hoan nghênh là khi các ý kiến dấy lên trong tháng 6, thì đầu tháng 8-2015 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 113, sửa đổi một số nội dung tại Thông tư số 04/2012 về chế độ về phí, lệ phí trong công tác thú y, trong đó bãi bỏ 14 loại phí, có hiệu lực từ 8-8.

Từ hiệp hội chăn nuôi, có thể thấy được sự phấn khởi của nông dân khi mong muốn chính đáng của họ được ghi nhận và đáp ứng nhanh - điều ít khi xảy ra trong một nền hành chính còn nhiều bất cập như hiện tại. Trước nay, nhiều hoạt động chuyên môn thú y thực hiện lặp đi lặp lại ở nhiều khâu, như: vệ sinh, tiêu độc phương tiện vận chuyển; niêm phong phương tiện vận chuyển; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật... và đáng buồn là thực tế gần như “nông dân đang trả lương cho cán bộ thú y” - như nhiều ý kiến đăng tải trên các phương tiện truyền thông.

Tính toán từ phía Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cho thấy, trước đây một con gà khi “đi” từ khâu con giống đến trang trại, qua các giai đoạn mua bán trung gian, đến được tay người tiêu dùng phải “cõng” đến 31 (chứ không phải 14) loại phí, với đủ tên gọi. Nếu chỉ cộng các loại phí lại, giá thành một con gà đã cao hơn 10% - con số quá lớn khi phải cạnh tranh với thịt gà nhập khẩu giá rẻ đang tràn vào thị trường Việt Nam. Việc bãi bỏ 14 loại phí, dù không góp công quá nhiều trong việc giảm giá thành, song lại mang ý nghĩa rất lớn: giảm thủ tục, giảm gánh nặng và áp lực đang nặng nề trên vai nông dân. Sự ghi nhận và sửa chữa kịp thời của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Bộ Tài chính cũng đã làm người nông dân và dư luận nhẹ lòng, tin tưởng nhiều hơn.

Về nguyên tắc, cán bộ thú y không làm sai khi thu phí, họ tuân thủ đầy đủ pháp lệnh về phí, lệ phí và các quy định liên quan. Do đó, khi bãi bỏ nhiều phí, hẳn họ cũng sẽ gặp chút khó khăn, như ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, chia sẻ với Báo Đồng Nai: “Việc bãi bỏ nhiều loại phí sẽ làm giảm khoảng 50% nguồn thu vì chi cục đã thực hiện tự chủ về tài chính. Hụt nguồn thu sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị”. Tuy nhiên, những khó khăn này sẽ trở nên nhỏ bé so với sự nhẹ nhõm của người chăn nuôi - vốn đang ngày càng mệt mỏi trước áp lực phải giảm giá thành để cạnh tranh khi thịt nhập ngoại tràn vào với thuế suất 0% trong một thời gian không xa nữa.

Kim Ngân

Tin xem nhiều