Báo Đồng Nai điện tử
En

Nới rộng khe cửa hẹp

10:06, 15/06/2015

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với sự chủ động đề xuất, phối hợp với các bộ, ngành liên quan của Chính phủ vừa ban hành nghị định mới (Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thay thế cho Nghị định số 41/2010/NĐ- CP (Nghị định 41).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với sự chủ động đề xuất, phối hợp với các bộ, ngành liên quan của Chính phủ vừa ban hành nghị định mới (Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thay thế cho Nghị định số 41/2010/NĐ- CP (Nghị định 41).

Không thể phủ nhận những đóng góp lớn của Nghị định 41 dù chỉ tồn tại 5 năm, vì đã góp phần làm tăng dư nợ nông nghiệp - nông thôn tại Việt Nam lên 2,5 lần so với trước thời điểm năm năm 2010.

Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng về thị trường nông sản, tập quán canh tác, quá trình đô thị hóa… và nhất là sự mở cửa sâu rộng của kinh tế Việt Nam đối với nhiều thị trường khác thông qua các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã tác động lớn đến nông nghiệp - nông thôn, dẫn đến nhiều chính sách không còn phù hợp nữa, trong đó có Nghị định 41.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra những bất cập của Nghị định 41, như: do tác động của việc đô thị hóa nên người dân ở thị trấn, các phường thuộc thị xã, thành phố có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp nhưng lại không được tiếp cận chính sách của Chính phủ theo Nghị định 41; các quy định về mức cho vay không có tài sản bảo đảm không còn phù hợp với quy mô và chi phí cho sản xuất nông nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời thay thế Luật Hợp tác xã năm 2003 với nhiều thay đổi nhằm khuyến khích và phát triển mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đòi hỏi cần thiết có chính sách ưu đãi hơn về nguồn vốn tín dụng để phục vụ phát triển các loại hình kinh tế này.

Nghị định 55 đã bổ sung đối tượng được vay vốn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo. Theo đó, mức cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình (Nghị định 41 là 50 triệu đồng); 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh (Nghị định 41 là 200 triệu đồng); 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại (trước đây là 500 triệu đồng). Ngoài ra, liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ được vay tối đa 3 tỷ đồng nhưng cũng không cần tài sản bảo đảm. Đây là điểm mới nhất của Nghị định 55.

Đặc biệt nhất, Nghị định 55 có quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao thông qua việc quy định các tổ chức đầu mối (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.

Chưa thể đánh giá hiệu quả của Nghị định 55 vì còn cần thời gian đi vào thực tế, tuy nhiên, một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp nhận định, điều quan trọng là phía các ngân hàng nhìn nhận và áp dụng nghị định mới ra sao, bởi họ mới chính là người có quyền quyết định cuối cùng về việc cho vay. Thực tế, gần như luôn có sự mâu thuẫn giữa ngân hàng và người vay tiền trong hầu hết mọi trường hợp, khi một bên luôn muốn mọi đảm bảo cho số tiền mình bỏ ra phải an toàn ở mức cao nhất, bên kia lại mong muốn các thủ tục dễ dàng hơn, tài sản được định giá cao hơn, lãi thấp hơn… Và thông thường “cuộc chơi” được vận hành theo luật của người cho vay. Tuy vậy, dẫu sao, một chính sách mới nới rộng những khe cửa hẹp cũng là điều đáng để kỳ vọng trong thời gian tới.

VI LÂM

Tin xem nhiều