Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ tâm trong sáng

10:06, 17/06/2015

Một biên tập viên, một nhà báo và một phóng viên ảnh trên đường đi công tác tình cờ bắt được chiếc đèn thần. Thần đèn xuất hiện, ban cho mỗi người một điều ước. Phóng viên ảnh ước: "Tôi muốn được sống trong một biệt thự ở thành phố lớn, không phải lo lắng về vấn đề tiền bạc". Bùm, điều ước thành hiện thực.

Một biên tập viên, một nhà báo và một phóng viên ảnh trên đường đi công tác tình cờ bắt được chiếc đèn thần. Thần đèn xuất hiện, ban cho mỗi người một điều ước. Phóng viên ảnh ước: “Tôi muốn được sống trong một biệt thự ở thành phố lớn, không phải lo lắng về vấn đề tiền bạc”. Bùm, điều ước thành hiện thực. Tiếp theo là nhà báo: “Tôi muốn có chiếc du thuyền lộng lẫy, cũng không phải lo lắng gì về tiền bạc”. Bùm tiếng nữa, nhà báo cũng biến mất. Biên tập viên ước cuối cùng: “Tôi muốn họ quay lại ngay sau bữa trưa, vì thời hạn để nộp bài cho ngày mai sẽ là lúc 10 giờ!”.

Câu chuyện vui trên phần nào cho thấy tính chất khắc nghiệt của nghề báo - nghề được xem là “thư ký của thời đại”. Xã hội càng phát triển, nhu cầu về thông tin càng cấp thiết, đa dạng, yêu cầu chuyên môn đối với người làm báo vì thế cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn. Bất cứ ai khi bước chân vào nghề báo đều biết rằng để có được những bài viết hay, gây được tiếng vang, thu hút sự chú ý của xã hội thì nhà báo cần phải có kiến thức chuyên môn, có trí tuệ để nắm bắt được các vấn đề cũng như quy luật của cuộc sống. Đặc biệt, thời gian gần đây sự tích hợp các loại hình truyền thông đã tạo ra nhu cầu mới trong tiếp nhận thông tin của công chúng. Với lượng thông tin khổng lồ được chuyển tải trên hàng trăm kênh truyền hình quốc tế, hàng ngàn kênh phát thanh, hàng triệu website; cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, hiện tượng “người người làm báo, nhà nhà làm báo”… đang đặt ra thách thức rất lớn với giới báo chí, đòi hỏi các nhà báo ngoài kiến thức chuyên môn còn phải nhanh nhạy, chính xác hơn bao giờ hết.

Nhưng trên hết, cùng với chữ tài, nhà báo càng không thể thiếu được chữ tâm trong sáng. Trong những bài viết của các nhà báo không chỉ có thông tin, số liệu, từ ngữ mà cái lớn nhất, bao trùm lên tất cả là đạo đức của người làm báo. Đó là tính chân thật, là sự thẳng ngay, trung thực với cuộc sống trong dòng chảy của thời cuộc.

Sự trung thực của nhà báo ở đây là cần phản ánh đúng những vấn đề dư luận quan tâm; phản biện những cái xấu, cái chưa đúng trong xã hội. Nhưng trung thực như vậy đã đủ chưa? Xã hội, người dân yêu cầu ở giới báo chí nhiều hơn thế. Trung thực, theo nghĩa rộng hơn là nhà báo còn phải biết đưa cái hay, cái đẹp đến với cuộc sống để điều tốt được phát huy, nhân rộng, biết phản ánh sức sống của xã hội để công chúng không bi quan, chán nản trước một vài mảng tối nào đó, mà luôn tin rằng cuộc sống bao giờ cũng đáng cho chúng ta nâng niu, quý trọng, giữ gìn. Đó mới là mục tiêu chân chính mà tất cả những người làm báo hướng đến. Giữ gìn đạo đức nghề báo không chỉ là giữ trong sạch cho bản thân mình, nói không trước những cám dỗ vật chất để không bẻ cong ngòi bút, mà còn phải biết hướng xã hội đến với Chân, Thiện, Mỹ.

Thành công của người làm báo không chỉ là những bài viết được trao giải thưởng, mà là những bài báo được bạn đọc quan tâm, đồng tình, trân trọng và yêu mến; người làm báo được công chúng tin tưởng, công nhận.

Với giới báo chí trong cả nước cũng như ở Đồng Nai, dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 luôn có ý nghĩa rất quan trọng. Mỗi nhà báo đều cảm nhận được mình không đơn độc, riêng lẻ, mà là một tập thể mạnh mẽ và đoàn kết, hướng đến những mục đích cao đẹp. Với truyền thống đoàn kết, báo chí Đồng Nai sẽ đứng trong đội ngũ trí tuệ luôn đồng hành với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, phát hiện, tổng kết, đánh giá các vấn đề thực tiễn đang bày ra để cùng góp phần xây dựng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày càng phát huy được sức chiến đấu, giữ gìn được cái tâm trong sáng trong mỗi ngòi bút (hay bàn phím vi tính) của mình.

Thanh Thúy

Tin xem nhiều