Báo Đồng Nai điện tử
En

Ai "chở mùa hè của em đi đâu"?

10:06, 14/06/2015

Người lớn thường dùng từ "sống gấp" để hàm ý phê phán một thái độ sống vội vã, thực dụng của giới trẻ trong xã hội hiện đại. Nhưng dường như cũng chính một bộ phận cha mẹ ở đô thị đang "đẩy" con trẻ vào lối sống khắc nghiệt ấy.

Người lớn thường dùng từ “sống gấp” để hàm ý phê phán một thái độ sống vội vã, thực dụng của giới trẻ trong xã hội hiện đại. Nhưng dường như cũng chính một bộ phận cha mẹ ở đô thị đang “đẩy” con trẻ vào lối sống khắc nghiệt ấy.

Liệu có quá lời không khi 3 tháng nghỉ hè đã rút ngắn vỏn vẹn còn vài ngày để học sinh kịp đến các lớp học thêm, “giải quyết” chương trình của năm học mới; trẻ mới lên 4, lên 5 đã phải gò lưng ở các lớp luyện chữ, đọc chữ ro ro để có thể theo kịp bạn bè đồng trang lứa?

Bất chấp những quy định, những kiểm soát của ngành GD-ĐT, bỏ ngoài tai những cảnh báo của chuyên gia tâm lý giáo dục, những nhà nghiên cứu xã hội, thực trạng ấy vẫn cứ diễn ra, công khai và sôi nổi. Trên thực tế, trẻ em ngày nay không chỉ đơn thuần cần biết ăn, ngủ và biết học hành mà còn phải được trang bị đa dạng các kỹ năng sống khác. Thế nên, chỉ mới “chớm” hè, các bậc cha mẹ đã đổ xô chạy chỗ học cho con. Các em kín lịch vì đến những lớp học thêm không còn một chỗ trống và còn phải tranh thủ đến lớp đá banh, học đàn, bóng rổ…

Nói một cách công bằng, xếp kín lịch học hè cho con cũng là cách để cha mẹ gửi con vì không ai trông. Mặt khác, việc kỳ vọng và “tổng đầu tư” về kiến thức và kỹ năng cho con của các bậc cha mẹ là hoàn toàn chính đáng và hợp lý. Nhưng rõ ràng điều này không có nghĩa là cha mẹ có quyền “đánh cắp” tuổi thơ của con, áp đặt con trẻ sẽ trở thành “thiên tài” trong tương lai. Rất có thể khi lớn lên, trẻ sẽ am hiểu mọi lĩnh vực, làm toán rất nhanh, ngoại ngữ rành nhiều thứ tiếng, nhưng liệu các em có thể “thành nhân” được không khi chưa biết tự phục vụ bản thân, sống vô cảm, dửng dưng với người thân và cộng đồng xã hội…

Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế dư dả, trẻ em được “chăm bẵm” là thế, nhưng ngược lại, với những gia đình khó khăn, mùa hè là mùa các em phải cùng lao vào cuộc mưu sinh, phụ giúp gia đình. Với trẻ em khó khăn, việc được cắp sách đến trường đã là điều may mắn chứ chưa nói gì đến vui chơi, giải trí mùa hè. Xem phim 3D, coi biểu diễn văn nghệ… là điều xa lạ đối với thiếu nhi vùng sâu, vùng xa.

Với mong muốn mang mùa hè “rèn luyện - vui tươi - bổ ích - an toàn” đến với mọi trẻ em, các cấp, các ngành đã có kế hoạch, chương trình hoạt động hè từ tỉnh đến cơ sở. Vượt qua những khó khăn về việc “khát” sân chơi, khoảng cách địa lý xa xôi, thiếu kinh phí, những người làm công tác xã hội trong tỉnh vẫn đến với các em thông qua nhiều chương trình thiết thực. Nhưng cần nhận thức rằng, tổ chức hoạt động hè, chăm sóc thiếu nhi không phải trách nhiệm một phía từ xã hội, đoàn - thể, mà quan trọng nhất là vai trò của gia đình. Không phải thầy cô, không phải những người làm công tác xã hội mà chính là các bậc cha mẹ mới có thể đem tuổi thơ, đem mùa hè đến cho con mình. Có thoát được nỗi ám ảnh này, thì không chỉ mùa hè, mà suốt hành trình tuổi thơ của thiếu nhi sẽ luôn là những kỷ niệm đẹp, theo các em suốt cuộc đời. Nếu không, sẽ không ai còn dám “xin một vé đi tuổi thơ”, bởi làm trẻ em ngày nay thật quá khó!      

Thùy Trang

Tin xem nhiều