Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể thờ ơ!

11:03, 09/03/2015

Chỉ có 60 doanh nghiệp trong tổng số hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động tại Đồng Nai trong năm 2014 đăng ký khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động là một con số quá thấp. Điều này không chỉ cho thấy sự thiếu quan tâm của doanh nghiệp đối với người lao động mà còn bộc lộ những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng lao động hiện nay.

Chỉ có 60 doanh nghiệp trong tổng số hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động tại Đồng Nai trong năm 2014 đăng ký khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động là một con số quá thấp. Điều này không chỉ cho thấy sự thiếu quan tâm của doanh nghiệp đối với người lao động mà còn bộc lộ những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng lao động hiện nay.

Một bác sĩ có nhiều năm công tác trong ngành y tế lao động môi trường cho biết, rất khó để vận động được doanh nghiệp thực hiện quy định khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, nhất là đối với những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Thậm chí, ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng tìm cánh “né” bằng cách tổ chức cho một bộ phận nào đó trong doanh nghiệp khám sức khỏe “đại diện” để đối phó với cơ quan chức năng hoặc liên kết với các phòng khám đa khoa tư nhân, kiểu “làm cho có”. Vì thế, kết quả khám sức khỏe của người lao động thường không chính xác, khó xác định được bệnh, nhất là bệnh nghề nghiệp. 

Vì sao doanh nghiệp lại thờ ơ với sức khỏe người lao động đến vậy? Câu trả lời chính là để tiết kiệm chi phí. Theo tính toán sơ bộ, nếu chi phí khám sức khỏe trung bình là 200 ngàn đồng/người/lần khám, một doanh nghiệp có 50 lao động mỗi năm cũng tiết kiệm được cả chục triệu đồng. Không ít doanh nghiệp còn cắt xén tối đa chi phí mua sắm dụng cụ bảo hộ lao động, như: mũ, khẩu trang, quần áo, găng tay... và bỏ mặc người lao động tự xoay xở với công việc độc hại của mình. Bên cạnh đó, có thể thấy người lao động, nhất là lao động tự do còn khá mơ hồ về việc phải bảo vệ mình khi làm việc trong môi trường nguy hiểm, như: khai thác đá, xây dựng... Do đó, người lao động không những không đòi hỏi chủ sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động, trang bị thiết bị bảo hộ lao động cho mình mà còn vô tư làm việc trong điều kiện không đảm bảo cho sức khỏe và tính mạng.

Đến nay, đã có 30 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm y tế chi trả, chia thành 5 nhóm chính, gồm: các bệnh bụi phổi và phế quản; các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp; các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý; các bệnh da nghề nghiệp và các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp. Điều đáng nói là đa số các bệnh nghề nghiệp đều đến “từ từ” nên người lao động rất dễ chủ quan. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nghề nghiệp trở nên khá nguy hiểm, thậm chí gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời.  

Vào ngày 20-3 tới đây, Đồng Nai sẽ tổ chức lễ hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần thứ 17. Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề của tuần lễ này là “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”. Chỉ khi doanh nghiệp và người lao động chủ động bảo vệ mình thì khi đó mới hạn chế được đến mức thấp nhất những thiệt hại về tiền bạc và sức khỏe cho chính mình.

Không thể thờ ơ với bệnh nghề nghiệp và rất cần những giải pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân không thực hiện đúng những quy định đối với người lao động.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều