Trong đợt khảo sát lấy ý kiến của đối tượng công nhân lao động nhằm đánh giá tác động của báo chí đối với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, nhiều công nhân tại Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom) cho biết người lao động rất "khát" thông tin, từ kiến thức liên quan đến quyền lợi thiết thân như Luật Lao động, bảo hiểm cho đến tình hình thời sự trong và ngoài nước.
Trong đợt khảo sát lấy ý kiến của đối tượng công nhân lao động nhằm đánh giá tác động của báo chí đối với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, nhiều công nhân tại Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom) cho biết người lao động rất "khát" thông tin, từ kiến thức liên quan đến quyền lợi thiết thân như Luật Lao động, bảo hiểm cho đến tình hình thời sự trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhu cầu này chỉ được đáp ứng thông qua các trang mạng, công nhân lao động rất cần có được kênh chính thống và chính thức để củng cố thông tin.
Ở một xã hội phát triển, nhu cầu về nhận thức, hiểu biết là một trong những nhu cầu bậc cao cơ bản của con người. Theo lý thuyết cấu trúc tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu ấy nằm ở tầng thứ hai (chỉ sau các nhu cầu cơ bản, như: ăn uống, ở, nghỉ ngơi...). Chính vì vậy, việc triển khai Đề án 84 về bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, pháp luật cho công nhân và cán bộ Công đoàn cơ sở tại các khu công nghiệp nhằm mục tiêu “lấp lỗ hổng” kiến thức, tăng cường về nhận thức chính trị, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người lao động. Theo đánh giá của ban chủ nhiệm đề án, qua 5 năm thực hiện đề án đã đạt được hiệu quả bước đầu, có tác động đến đông đảo công nhân lao động. Cụ thể, đến năm 2014 có gần 266 ngàn đối tượng được học tập về lý luận chính trị và kiến thức pháp luật, tức có khoảng 44,1% công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh được cung cấp kiến thức.
Đặc biệt, tại Công ty Changshin Việt Nam với trên 23 ngàn lao động, đã có gần 100% công nhân được tham gia các lớp học tập, bồi dưỡng theo chương trình của đề án. Thực tế diễn ra tại công ty này cho thấy, nơi nào có được sự ủng hộ của người sử dụng lao động, hiệu quả của đề án sẽ đạt cao. “Công thức” này giống như các kinh nghiệm đã được rút ra từ thực tiễn hoạt động của các tổ chức đoàn thể tại doanh nghiệp, vì vậy giải pháp đặt ra để đề án hoạt động hiệu quả hơn cũng là cần phải làm cho chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động hiểu được lợi ích của đề án đối với hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp. Như vậy, một trong những mục tiêu nhắm tới của đề án trong thời gian tới không chỉ là công nhân lao động mà còn có cả người sử dụng lao động. Đây là 2 đối tượng khác nhau, mục tiêu cũng khác nhau nên nội dung và phương thức hoạt động cũng phải khác nhau.
Mặt khác, trở lại sự kiện kẻ xấu lợi dụng đập phá doanh nghiệp trong 2 ngày 13,
14-5-2014, cũng có khá đông công nhân lao động tham gia. Điều này cho thấy, thời gian tới những người có trách nhiệm trong việc thực hiện đề án cũng cần đổi mới phương pháp giáo dục, nội dung tuyên truyền. Việc giáo dục chính trị không chỉ diễn ra ở lớp học, mà cần phải được gắn liền với thực tiễn, với các hoạt động thi đua yêu nước. Đối với công nhân không chỉ là cung cấp các kiến thức chung chung, mà còn cần có thông tin về doanh nghiệp mình đang làm việc, về địa phương mình đang sinh sống. Có sự hiểu biết, sẽ dẫn đến sự cảm thông, tình cảm yêu mến, không xem doanh nghiệp chỉ là nơi kiếm tiền, địa phương là nơi ngụ cư, từ đó hình thành tinh thần trách nhiệm, dốc lòng vun đắp, bảo vệ.
Ngoài ra, để đề án đạt hiệu quả cao, không thể “quên” đội ngũ cán bộ Công đoàn - những người là cầu nối với công nhân lao động. Đội ngũ này cũng cần được bồi dưỡng kiến thức, đào tạo thường xuyên. Với những bài học kinh nghiệm được rút ra sau 5 năm triển khai đề án, nhiệm vụ trong năm 2015 còn khá bộn bề. Nhưng điều gì hướng đến điều hay, lẽ phải, xuất phát từ “tâm thành” mang lại lợi ích, “lộc đời” cho cộng đồng, chắc chắn sẽ được ủng hộ.
Thanh Thúy