Thông tin Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) có văn bản gởi Thủ tướng Chính phủ ủng hộ việc chặt bỏ gần 140 ha rừng nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai thuộc Vườn quốc gia ( VQG) Cát Tiên để làm dự án điện Đồng Nai 6 và 6A do Tập đoàn Đức Long làm chủ đầu tư đã gây bức xúc trong giới khoa học, các nhà bảo vệ môi trường và người dân sinh sống trong khu vực.
Thông tin Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) có văn bản gởi Thủ tướng Chính phủ ủng hộ việc chặt bỏ gần 140 ha rừng nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai thuộc Vườn quốc gia ( VQG) Cát Tiên để làm dự án điện Đồng Nai 6 và 6A do Tập đoàn Đức Long làm chủ đầu tư đã gây bức xúc trong giới khoa học, các nhà bảo vệ môi trường và người dân sinh sống trong khu vực. Điều này xem ra mẫu thuẫn với chính phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 1-7 vừa qua khi ông đã tỏ ra lo lắng về tình hình chặt phá rừng trong cả nước diễn ra ngày càng nghiêm trọng!
Giám đốc VQG Cát Tiên Trần Văn Thành than: “Việc chặt phá gần 140 hécta rừng cho xây dựng công trình thủy điện có tác động về môi trường, chất thải và tiếng ồn do nổ mìn phá đá… làm ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn 40km. Đáng lo ngại là nó đe dọa đến bảo tồn đa dạng sinh học của khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên. TS. Phạm Hữu Khánh, một chuyên gia đã gắn bó hàng chục năm trời ở VQG Cát Tiên, rất trăn trở: “Khu vực đó nằm trong hệ sinh thái rừng điển hình của Cát Tiên, đặc biệt là nơi trú ngụ của bò tót quý hiếm cấp toàn cầu. Việc xây dựng các công trình thủy điện trên sông Đồng Nai ảnh hưởng rất lớn đến chức năng bảo tồn hệ sinh thái rừng và động vật quý hiếm ở Cát Tiên”.
Đâu chỉ có vậy, tác động biến đổi về môi trường và văn hóa bản địa của bộ phận đồng bào dân tộc sinh sống gắn bó với sông Đồng Nai là khó lường, có thể gây mất ổn định xã hội do phải thay đổi tập quán , kế sinh nhai! Cát Tiên còn có hệ nước bán ngập phong phú, có sông suối, đầm lầy và khu Bàu Sấu nằm trong hệ thống Ramsar thế giới cũng sẽ nhanh chóng bị biến dạng do sự thay đổi của dòng chảy. Người dân sinh sống lưu vực sông Đồng Nai sẽ bị ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống do nguồn nước sông cạn kiệt và bị xâm mặn của thủy triều .
Câu hỏi đặt ra là việc phá rừng VQG để làm thủy điện sẽ đem lại lợi ích gì khi xét về toàn diện thì lợi ích cộng đồng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học đều bị đe dọa xâm hại! Phải chăng nó chỉ đem lại lợi lộc cho một nhóm người đầu tư làm dự án này? Cần nhắc lại rằng, bài học chua xót về phá rừng đầu nguồn để xây dựng một số công trình thủy điện ở các tỉnh miền Trung như: A Vương, Sông Ba… còn sờ sờ ra đấy. Mùa khô thì vùng hạ lưu cạn kiệt nguồn nước ngọt gây khốn đốn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, còn mùa mưa thì lũ lụt đến rất nhanh tới mức không kịp chạy! Điều này cho thấy, dù trước đó các dự án làm thủy điện này đều có đánh giá tác động môi trường nhưng đã được thực hiện không khách quan, đầy đủ và chính xác. Hậu quả là người dân lãnh đủ.
Không thể phát triển kinh tế bằng bất cứ giá nào, mà phải đảm bảo phát triển bền vững, do vậy không hy sinh môi trường sinh thái, lợi ích cộng đồng cho một vài dự án thủy điện. Tháng 4-2011, trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, kiêm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã thẳng thừng: “Không thể hy sinh thêm rừng để làm thủy điện bởi những ảnh hưởng lâu dài về môi trường“.
Điều này hoàn toàn đúng đắn.
Xuân Phú