Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong những năm qua, ngành sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đã có những bước phát triển vượt bực; cơ cấu cây trồng-vật nuôi chuyển dịch dần theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; nhiều mặt hàng nông sản nhờ đó chiếm được vị thế cao trên thị trường trong và ngoài nước...
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong những năm qua, ngành sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đã có những bước phát triển vượt bực; cơ cấu cây trồng-vật nuôi chuyển dịch dần theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; nhiều mặt hàng nông sản nhờ đó chiếm được vị thế cao trên thị trường trong và ngoài nước...
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được nói trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; tổn thất trong và sau thu hoạch vẫn còn lớn (kể cả về sản lượng, lẫn chất lượng), dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao, đời sống của một bộ phận nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những tồn tại, yếu kém nêu trên, ngay từ tháng 9-2009, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP, trong đó có xác định, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, kể cả có chính sách ưu đãi vốn vay để tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa ở các khâu trồng trọt, chăn nuôi, nhất là các ứng dụng công nghệ hiện đại trong và sau thu hoạch, nhằm góp phần làm giảm tối đa những tổn thất về nông sản.
Tại Đồng Nai, trong thời gian gần đây, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã xây dựng đề án giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Thế nhưng, nếu dừng lại ở việc hỗ trợ nông dân đầu tư, ứng dụng nhanh các công nghệ hiện đại, đưa máy móc, thiết bị cơ giới hóa vào sản xuất với mong muốn giảm được tổn thất trong và sau thu hoạch..., thì đó cũng mới chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa “đủ”. Bởi, trong số những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc đưa máy móc nông nghiệp và các tiến bộ kỹ thuật vào thu hoạch để giảm tỷ lệ hao hụt nông sản thời gian qua, có một nguyên nhân không kém phần quan trọng là nông dân nước ta vẫn còn sản xuất mang tính manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến việc rất khó đầu tư đại trà cho khâu thu hoạch nói riêng và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nói chung.
Chính vì vậy, bên cạnh việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể nhằm giảm tối đa tổn thất trong và sau thu hoạch, việc tuyên truyền, vận động và đề ra các chính sách hỗ trợ, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác (các câu lạc bộ năng suất cao, các tổ hợp tác, hợp tác xã...) phát triển để dễ đầu tư máy móc nông nghiệp, cơ giới hóa sản xuất và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật trong bảo quản nông sản...cũng chính là những yếu tố hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.