Báo Đồng Nai điện tử
En

Thu thuế ở "mặt tiền", hỗ trợ nằm trong "ngõ hẻm"

10:06, 22/06/2020

Ngày 4-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó dịch Covid-19.

Ngày 4-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó dịch Covid-19. Cụ thể hóa chỉ thị này, một số giải pháp đã được triển khai, trong đó có gói 16 ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng vay trả lương người lao động.

Sản xuất hàng dệt may tại Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata). Ảnh:H. Lộc
Ảnh minh họa

Dù trong các quy định, DN được vay gói tín dụng này với lãi suất 0%/năm để trả lương cho người lao động nhưng trở ngại lớn nhất để được phê duyệt vay vốn là phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên. Ngoài ra, phải trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến hết ngày 30-6. DN cũng buộc phải chứng minh các khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc. Đặc biệt, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31-12-2019. Đó là chưa kể các thủ tục chứng minh về việc tạm ngừng lao động, lao động thất nghiệp... cũng tốn không ít thời gian.

Những quy định như trên đã làm nản lòng các DN mặc dù họ rất muốn được nộp hồ sơ để vay, kết quả là DN phải tự tìm cách khác. Thực tế cho thấy, DN khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thường rơi vào các trường hợp kinh doanh thua lỗ, sản xuất bị đình trệ, phải đi vay nợ để cầm cự chờ phục hồi trở lại. Điều cần nhất lúc này đối với họ là chi phí trả lương cho người lao động để giữ chân nguồn nhân lực. Nếu không còn khả năng, đối diện với nguy cơ ngừng hoạt động, phần lớn DN dễ chọn phương án an toàn đơn giản nhất là cho người lao động nghỉ việc, thậm chí phá sản.

Chủ một DN nhận định rằng, nếu muốn được vay nguồn tiền này, DN hầu như phải ở trong tình trạng chỉ còn “thoi thóp”, “thở” còn không nổi thì có cứu cũng rất khó để tồn tại. Cái cần là tiếp sức khi “chớm bệnh” chứ không phải đợi đến khi DN đã “chết lâm sàng” thì không còn ý nghĩa. Và, chủ một công ty khác lại ví von, thu thuế từ DN thì nhanh, gọn, ở “mặt tiền”, trong khi hỗ trợ lại nằm trong “ngõ hẻm”, ngoằn nghèo như một hình ảnh đối lập.

DN cho rằng, để tạo điều kiện tiếp cận được các gói hỗ trợ tốt hơn, cần căn cứ vào doanh thu của DN trong mấy tháng dịch bệnh và trước đó để đối chiếu, so sánh. Và việc cho vay cũng nên nới rộng về thời gian để DN kịp xoay xở hoàn trả, thay vì chỉ trong 3 tháng như hiện nay. Điều quan trọng, cần xem xét việc nới lỏng các điều kiện cho vay, không chỉ các DN bị ảnh hưởng trực tiếp, phải ngưng sản xuất mà có thể hướng tới tất cả các DN đang khó khăn, cần nguồn tiền trả lương cho người lao động.

Vương Thế

Tin xem nhiều