Báo Đồng Nai điện tử
En

Khơi thông nguồn lực xã hội

09:06, 01/06/2020

Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, một trong những nội dung được dư luận quan tâm chính là phiên thảo luận của các đại biểu về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, một trong những nội dung được dư luận quan tâm chính là phiên thảo luận của các đại biểu về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo dự kiến, Dự án Luật PPP sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18-6 tới.

Ở nước ta, hình thức đầu tư PPP đã được áp dụng nhiều năm nay với hàng trăm dự án đã được triển khai. Thông qua đó, hàng chục ngàn tỷ đồng nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tư nhân đã được huy động để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Dù đã được áp dụng vào thực tế từ lâu, tuy nhiên, đến nay, ở nước ta vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng và một cơ chế pháp lý để bảo đảm cho việc thực thi. Chính điều này đã khiến cho việc triển khai các dự án PPP còn một số tồn tại, bất cập như: việc lựa chọn nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đa số các dự án PPP áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến tình trạng lãng phí, thất thoát vốn do chọn lựa nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án; quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kéo dài.

Đặc biệt, do chưa có một cơ chế pháp lý cụ thể nên vấn đề minh bạch đối với các dự án PPP, nhất là các dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) còn nhiều lỗ hổng về giá, phí hàng hóa, dịch vụ hay cơ chế sử dụng quỹ đất để hoàn vốn cho nhà đầu tư. Chính điều này đã gây nên nhiều bức xúc trong dư luận về phương thức đầu tư này.

Theo Ngân hàng Thế giới, PPP là việc chuyển giao cho khu vực tư nhân các dự án đầu tư mà theo truyền thống thì đó là các dự án phải do nhà nước đầu tư và vận hành.

Như vậy có thể thấy, đầu tư PPP có ưu điểm lớn là tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước nhờ huy động được nguồn vốn của các nhà đầu tư tư nhân. Chính phủ thay vì phải lo nguồn vốn đầu tư cho các dự án thì chỉ cần tập trung vào việc quản lý dự án. Từ đó, tài sản, nguồn lực của Nhà nước được sử dụng hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng của các cơ sở công cộng và dịch vụ công. Cùng với đó, khi các nhà đầu tư tư nhân tham gia thực hiện các dự án, ngoài nguồn vốn, những kỹ năng, kinh nghiệm, kỹ thuật sáng tạo và đổi mới của họ cũng được áp dụng vào các dự án để tăng hiệu quả.

Mặc dù vẫn còn có một số hạn chế, tuy nhiên, với những ưu thế của mình, đầu tư theo hình thức PPP vẫn là hướng đi cần thiết để huy động nguồn lực toàn xã hội vào các dự án phục vụ phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu về vốn để đầu tư cho phát triển đang rất lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn chế thì việc có một cơ chế pháp lý được cụ thể hóa thành luật đối với hình thức đầu tư PPP là cần thiết. Từ đó, giúp Nhà nước có thể khơi thông, huy động được nguồn vốn toàn xã hội để phục vụ phát triển đất nước.

Lê Văn

Tin xem nhiều