Ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 55 được các chuyên gia đánh giá và kỳ vọng sẽ tạo động lực để tạo thêm cơ hội cho khối tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
Ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 55 được các chuyên gia đánh giá và kỳ vọng sẽ tạo động lực để tạo thêm cơ hội cho khối tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
Ảnh minh họa |
Nghị quyết này đưa ra mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030); trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320-350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550- 600 tỷ kWh... Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.
Điều quan trọng, Nghị quyết số 55 nhấn mạnh việc “tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường. Tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng”. Bên cạnh đó, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền. Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Như vậy, so với trước đây, Nghị quyết 55 có độ mở lớn hơn nhiều để thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Thực tế, Việt Nam rất tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội, tư nhân phục vụ cho phát triển năng lượng. Riêng về điện năng, có 28% tổng công suất nguồn điện đến từ khu vực tư nhân, dưới các hình thức đầu tư đa dạng, hiệu quả hơn…
Nghị quyết 55 tiếp tục mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng hơn, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Từ đó, kỳ vọng một chiến lược lớn từ Chính phủ với những cơ chế chính sách mới trong phát triển năng lượng. Không chỉ là thu hút đầu tư mà còn là khung khổ luật pháp (Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và những luật mới) trên tinh thần huy động các nguồn lực, đặc biệt là tư nhân tham gia sâu hơn vào phát triển năng lượng quốc gia.
Khi các doanh nghiệp (DN) tư nhân có cơ chế tham gia mạnh mẽ, DN nhà nước sẽ phải cải thiện chất lượng dịch vụ, người dân có thêm quyền lựa chọn nhà cung cấp năng lượng. Cùng với đó, nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển sẽ đảm bảo tăng nguồn cung điện phát triển bền vững, đồng thời minh bạch thị trường, góp phần giảm giá điện cung ứng đến người dân, DN.
Văn Gia