Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử nặng bao che

08:12, 21/12/2017

Càng vào thời điểm cuối năm, nỗi lo về hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng cùng vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm lại gia tăng.

Càng vào thời điểm cuối năm, nỗi lo về hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng cùng vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm lại gia tăng.

Người dân lo lắng là hoàn toàn có cơ sở, bởi quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta hiện nay khá lỏng lẻo. Hầu hết các vụ vi phạm trên lĩnh vực này bị phát hiện và xử phạt đều đã hoạt động kéo dài. Phần “gốc” không giám sát được mà chủ yếu là xử lý phần “ngọn”, khi việc đã rồi. Mức xử phạt lại quá thấp dẫn đến vi phạm nhờn thuốc, bất chấp pháp luật và đạo đức, sản xuất và kinh doanh thực phẩm mất an toàn, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Năm nào vào khoảng thời gian cận tết, các cuộc kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm lại diễn ra trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, với số nhân lực còn hạn chế, việc kiểm tra mới như muối bỏ bể, chưa triệt tận gốc của vi phạm. Đó là chưa kể đến những hạn chế của đội ngũ thanh kiểm tra khi thực thi nhiệm vụ, hiện tượng bao che, “bảo kê” khi cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có xảy ra sai phạm…

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2011-2016, cả nước thanh, kiểm tra trên 3,35 triệu cơ sở và phát hiện trên 678.700 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm tỷ lệ khoảng  20,3% tổng số cơ sở.  Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số vụ vi phạm đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng với mức độ và quy mô lớn hơn gây tâm lý hoang mang trong xã hội.

Cũng theo số liệu của ngành y tế, trong giai đoạn 2011-2016, cả nước đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 31 ngàn người mắc và hơn 160 người chết. Tính ra trung bình có 167,8 vụ/năm với hơn 5.065 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm. Đây mới chỉ là những con số ghi nhận được, thực tế có thể còn cao hơn nữa. 

Tại Đồng Nai, số vụ ngộ độc thực phẩm cũng đang có chiều hướng gia tăng, nhất là trong các doanh nghiệp có suất ăn công nghiệp và căn tin trong trường học. Đồng Nai cũng là địa phương đã phát hiện khá nhiều sai phạm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, như: bún chứa formol, thịt heo chứa chất cấm salbutamol, kinh doanh thịt thối… Do đó, nếu không đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi, xử phạt… thì số cơ sở vi phạm sẽ vẫn còn gia tăng trong thời gian tới, gây hậu quả khá nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Trong khi chờ Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực với mức xử phạt nặng đối với những vi phạm trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý lĩnh vực này, nhất là ở chính quyền cơ sở. Không thể đổ dồn nhiệm vụ nặng nề này cho ngành y tế, nông nghiệp hay công thương mà ngay từ phường, xã đã có thể phát hiện vi phạm để cùng với các ngành chức năng xử lý. Tránh bao che và phải có khung hình phạt thích đáng cho việc bao che những sai phạm trên lĩnh vực này.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều