Vụ việc vừa vỡ lở gây chấn động thị trường bất động sản trong 10 ngày qua là vụ khách hàng tố cáo doanh nghiệp lừa đảo trong dự án tự xưng "Alibaba Tây Bắc Củ Chi" của Công ty Alibaba Tây Bắc TP.Hồ Chí Minh (gọi tắt là Công ty Alibaba).
Vụ việc vừa vỡ lở gây chấn động thị trường bất động sản trong 10 ngày qua là vụ khách hàng tố cáo doanh nghiệp lừa đảo trong dự án tự xưng “Alibaba Tây Bắc Củ Chi” của Công ty Alibaba Tây Bắc TP.Hồ Chí Minh (gọi tắt là Công ty Alibaba). Theo đó, dự án Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) chưa có chủ đầu tư nhưng Alibaba tự nhận mình là chủ, tự đứng ra rao bán, quảng cáo và thậm chí nhận tiền đặt cọc của khách hàng.
Dù không có dự án dân cư tại Long Thành nhưng Công ty cổ phần địa ốc Alibaba vẫn rao bán đất tại Long Thành trên website. |
Khi thanh tra làm rõ thêm, mới tá hỏa nhận ra Alibaba không chỉ nhập nhèm với khách hàng trong dự án Tây Bắc Củ Chi. Khách hàng còn “tố” thêm là đã 6 tháng từ khi ký hợp đồng là Công ty Alibaba sẽ giao lô đất diện tích 125,5m2 ở dự án Long Phước 4 (huyện Long Thành) nhưng đến nay, công ty này vẫn chưa bàn giao đất, cũng không có văn bản nào thông báo, giải thích với khách hàng. Trong khi đó, ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, cho biết theo rà soát của sở hiện không có dự án khu dân cư nào của Công ty Alibaba trên địa bàn huyện Long Thành. Lãnh đạo huyện cũng khẳng định không có thông tin gì về dự án của Alibaba tại huyện và đang kiến nghị làm rõ.
Cũng trong cuối tháng 11, Alibaba còn mở bán đến hơn 600 nền đất tại dự án Alibaba Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu). Với tất cả các dự án mở bán, Alibaba đều nhận nhiều tỷ đồng tiền cọc của khách hàng với lời hứa giao đất trong một thời điểm nào đó, nếu không giao sẽ trả cọc (hình thức này vi phạm Luật Bất động sản). Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án chưa thấy Alibaba giao cho khách như đã cam kết, cũng không giải thích, trả cọc gì cho khách và còn tỏ thái độ bất hợp tác với cơ quan chức năng.
Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh đã kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra toàn diện với các công ty thuộc Tập đoàn Alibaba và sẽ sớm có kết quả. Tuy nhiên, không thể không nhìn nhận sự “dễ dãi” của nhiều khách hàng đặt mua đất nền dự án trong khi bản thân chưa hề thấy bóng dáng dự án dù chỉ một lần. Hàng trăm người sẵn sàng bỏ tiền tỷ ra giữ chỗ cho một dự án mà không tìm hiểu rõ ngọn ngành cũng là điều cần suy nghĩ.
Lâu nay, nhiều khách hàng đầu cơ bất động sản tại các đô thị lớn “đổ” tiền về mua đất ở những khu vực có nhiều dự án hạ tầng như Bình Dương, Nhơn Trạch - Long Thành (Đồng Nai), Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... mà thiếu kiểm tra, kiểm soát, tìm hiểu rõ ngọn ngành, chỉ đầu tư theo dạng “đón sóng”. Rất nhiều người chỉ mua đất qua “cò” hoặc qua công ty bất động sản mà không hề biết đất ở đâu, dù họ bỏ tiền tỷ. Những hệ lụy đầu tư đất xong bỏ hoang đã diễn ra ở Nhơn Trạch, Long Thành, Bình Dương, Bà Rịa... nhiều năm nay, tưởng như đã có tác dụng cảnh báo cho nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Song không phải vậy, những cơn sốt đất khu vực Sân bay Long Thành vừa qua hay vụ Alibaba vừa rồi cho thấy sự đầu tư thiếu kiểm soát, chạy theo lợi nhuận, kể cả khi sai luật vẫn diễn ra phổ biến.
Công ty bất động sản sẽ phải giải trình và trả giá cho sự vi phạm, nhưng những hành động mua bán tiếp tay cho các hành vi sai luật của các cò đất hay công ty bất động sản, nói cho cùng, khách hàng không thể đứng ngoài.
Vi Lâm