Dù không quá bất ngờ, nhưng những con số mà đại biểu HĐND tỉnh Giang Thị Thu Nga đưa ra để chất vấn Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội về chất lượng đầu ra của công tác đào tạo nghề tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX vừa qua ...
Dù không quá bất ngờ, nhưng những con số mà đại biểu HĐND tỉnh Giang Thị Thu Nga đưa ra để chất vấn Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội về chất lượng đầu ra của công tác đào tạo nghề tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX vừa qua vẫn làm nhiều người giật mình: tỷ lệ tốt nghiệp của hệ đào tạo trung cấp chỉ đạt 40%; cao đẳng 60%. Trình độ đào tạo nhiều nhất lại ở bậc sơ cấp và rất nhiều ngành nghề đào tạo hiện nay không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Đây thực sự là vấn đề không mới, đã được bàn rất nhiều trong các cuộc họp lớn của tỉnh, nhất là trong bối cảnh Đồng Nai đang cần một số lượng lớn nguồn lao động kỹ thuật có trình độ cao. Thế nhưng công tác đào tạo nghề dường như vẫn đang mãi loay hoay, giậm chân tại chỗ, chưa chủ động mạnh dạn đổi mới cho phù hợp.
Lý giải tình trạng học viên tốt nghiệp học nghề “rơi rớt” nhiều, ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng chủ yếu do học sinh bỏ học vì hoàn cảnh gia đình, bỏ học nghề để đi làm hoặc tâm lý chán nản bởi chương trình học khô cứng, chậm đổi mới…
Cũng theo ông Huỳnh Văn Tịnh, Đồng Nai hiện có 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Quy mô đào tạo hàng năm bình quân khoảng 74 ngàn học viên, trong đó trình độ cao đẳng chiếm 5.500 học viên, trung cấp 11.500 học viên, sơ cấp nghề và dưới 3 tháng 57 ngàn học viên. Hiện công tác tuyển sinh học nghề đang gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do đa số phụ huynh và học sinh vẫn thích học đại học hơn là cao đẳng hay trung cấp nghề; công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về dạy nghề còn mang nặng tính hình thức và chưa thiết thực; tình trạng các trường đại học, cao đẳng được mở ra quá nhiều, chỉ tiêu tuyển ngày càng tăng…
Tuy nhiên, có một lý do khá quan trọng được chính người đứng đầu ngành lao động thừa nhận, đó là thực trạng trường nghề chưa liên kết được với doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu một đằng, đào tạo một nẻo. Học viên học nghề tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ra trường không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng cả về số lượng lẫn chất lượng. Không ít cơ sở giáo dục không tuyển dụng được học viên nên hoạt động cầm chừng, gây lãng phí lớn.
Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, thời gian tới ngành sẽ rà soát sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng giảm đầu mối, sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở đào tạo hoạt động không hiệu quả; tăng quy mô, mở rộng ngành nghề đào tạo nhất là các nghề trọng điểm, nghề mũi nhọn và xã hội có nhu cầu cao. Đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa để đáp ứng được yêu cầu quốc tế. Chương trình đào tạo cũng phải đổi mới để phù hợp và tránh gây nhàm chán cho học viên. Đặc biệt, luôn gắn tuyển sinh, đào tạo với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề.
Giải pháp thì đã có và khá cụ thể. Tuy nhiên, để những giải pháp này triển khai được, rất cần sự quyết tâm, mạnh dạn thay đổi và không thể chần chừ!
Minh Ngọc