Thực tế, từ năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025", và từ đầu tháng 8-2010, xăng sinh học E5 được bán thí điểm ở một số địa phương.
Cho đến lúc này, đề án thay thế các loại xăng bán trên thị trường bằng xăng sinh học E5 đã năm lần bảy lượt phải trì hoãn. Xăng sinh học là một loại nhiên liệu lỏng, trong đó có sử dụng ethanol như là một loại phụ gia nhiên liệu pha trộn vào xăng, thay cho phụ gia chì. Ethanol được chế biến thông qua quá trình lên men các sản phẩm hữu cơ và được pha chế với tỷ lệ thích hợp với xăng tạo thành xăng sinh học, có thể thay thế hoàn toàn cho loại xăng sử dụng phụ gia chì truyền thống nhằm bảo vệ môi trường và tận dụng các nguồn nguyên liệu tái sinh. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã thay thế toàn bộ các loại xăng pha chì trên thị trường bằng xăng sinh học.
Thực tế, từ năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, và từ đầu tháng 8-2010, xăng sinh học E5 được bán thí điểm ở một số địa phương. Sau đó, Chính phủ cũng đưa ra lộ trình cụ thể bằng cách quy định xăng E5 được sử dụng bắt buộc tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa - Vũng Tàu từ cuối năm 2014, và sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc vào cuối 2015. Tuy nhiên, thực tế người tiêu dùng không mặn mà gì với loại xăng sinh học này, do đó thời hạn áp dụng bán xăng E5 trên phạm vi toàn quốc lại dời sang giữa năm 2016, rồi giữa năm 2017, và mới đây nhất quyết định áp dụng từ 1-2018.
Nếu vậy, chỉ còn 5 tháng nữa toàn quốc sẽ phải thay thế toàn bộ xăng RON 92 bằng xăng sinh học E5. Các cửa hàng xăng dầu phải thay thế hoặc chỉnh sửa các loại bồn chứa, trụ bơm, đường dẫn... cho phù hợp với quy định mới. Song, quan sát cho thấy đến lúc này thị trường dường như vẫn chưa có động thái thay đổi nào rõ rệt. Phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng E5 có tỷ lệ hao hụt cao, nguồn cung không ổn định, lợi nhuận mỏng trong khi đầu tư ban đầu tốn kém. Nhưng trên hết, người tiêu dùng hầu như không mấy mặn mà với loại xăng sinh học này và vẫn trung thành với RON92 như cũ. Đơn cử, tại Đồng Nai trong 390 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, thì mới chỉ có 9 cửa hàng có bán xăng E5 và lượng tiêu thụ còn rất ít ỏi.
Như vậy, 2 đối tượng chính trong chính sách này là người bán lẻ (hệ thống phân phối) lẫn người mua (người tiêu dùng) đều chưa có quan niệm hay động thái nào thay đổi thói quen sử dụng xăng sinh học thay cho xăng pha chì. Quá trình thay đổi này khó diễn ra một sớm một chiều như mong muốn, đặc biệt nếu người tiêu dùng chưa có suy nghĩ dùng xăng sinh học để bảo vệ môi trường. Phía các chuyên gia, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hầu như cũng chưa có đợt tuyên truyền, phổ biến nào ấn tượng để người tiêu dùng nắm rõ lợi ích và những điều cần lưu ý khi chuyển sang sử dụng xăng E5. Có lẽ cần bắt đầu từ khía cạnh này trước khi thay đổi toàn bộ thói quen của thị trường bằng một chính sách áp dụng đồng loạt một cách cứng nhắc, vì trên thực tế chính sách này đã gia hạn nhiều lần vì thị trường chưa chấp nhận.
Vi Lâm