Thu nhập bình quân đầu người tăng đều mỗi năm đang biến Việt Nam trở thành một xã hội tiêu dùng thực thụ với nhu cầu mua sắm từ những món hàng tiêu dùng xa xỉ nhất đến những tiện nghi hiện đại hàng ngày. Một trong những dòng hàng được đầu tư nhiều nhất là mỹ phẩm.
Thu nhập bình quân đầu người tăng đều mỗi năm đang biến Việt Nam trở thành một xã hội tiêu dùng thực thụ với nhu cầu mua sắm từ những món hàng tiêu dùng xa xỉ nhất đến những tiện nghi hiện đại hàng ngày. Một trong những dòng hàng được đầu tư nhiều nhất là mỹ phẩm. Nhiều năm nay, mỹ phẩm gần như là dòng hàng được người tiêu dùng mặc định “phải xài hàng ngoại”, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến vẻ đẹp và sức khỏe người tiêu dùng. Người Việt Nam đã và đang chi hàng tỷ USD để nhập khẩu mỹ phẩm hàng năm và con số này vẫn đang tăng trưởng mạnh. Theo dữ liệu từ Trade Map của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) và Ngân hàng Thế giới (WB), từ con số chưa đầy 500 triệu USD vào năm 2011, mỹ phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đã tăng lên hơn 1,1 tỷ USD trong năm 2016, và dự báo tiếp tục tăng gấp đôi, lên khoảng 2,2 tỷ USD vào năm 2020. Báo cáo nghiên cứu thị trường của Euromonitor International cũng cho biết, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam với 90% là hàng nhập khẩu, đã vượt mốc 1 tỷ USD từ cách đây 2 năm với mức tăng trưởng hàng năm thường xuyên đạt 2 con số (nguồn: VnExpress).
Ảnh minh họa. Nguồn: Intenet |
Vậy mỹ phẩm “made in Vietnam” đang ở đâu trong thị trường hàng tỷ USD đó? Hiện tại chưa thấy cơ quan nào đưa ra con số % thị phần của mỹ phẩm mang thương hiệu Việt Nam, song hẳn là con số này không cao khi tâm lý người tiêu dùng vẫn chuộng hàng ngoại hơn hàng trong nước. Họ sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua thỏi son, hộp phấn, tuýp sữa rửa mặt của những hãng mỹ phẩm danh tiếng đến từ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... hoặc chờ đợi hàng tuần để đặt hàng một mẫu nước hoa mới, song vẫn ngại ngần khi mua hàng Việt dù giá rẻ hơn và dễ mua hơn. Thực tế, nhiều nhà sản xuất trong nước đã đầu tư sản xuất mỹ phẩm để theo kịp nhu cầu thị trường, và trong khoảng 5 năm qua thị trường có thêm sự góp mặt của nhiều nhãn hiệu mỹ phẩm Việt Nam bên cạnh những hãng truyền thống, có thể kể đến: Miss Saigon, Thorakao, Lana, Biona, Xmen, Thái Dương, Bodeta, Familar, Newgel, Dr.Men, Hattrick, Teen X, L’Ovite Paris, Q’Girl New York, Daily Care, Essy... Tuy nhiên, vẫn rất ít nhãn hiệu tìm được chỗ đứng thuyết phục trên thị trường, đa số vẫn đang chật vật mở rộng thị phần khá nhỏ nhoi của mình.
Sản xuất mỹ phẩm thực tế đòi hỏi rất nhiều yếu tố mà một doanh nghiệp nhỏ khó đáp ứng, trong đó quan trọng là công nghệ, trình độ nghiên cứu khoa học, độ chuẩn của nguyên liệu... rồi mới đến những yếu tố khác, như: vốn liếng, sản xuất, kinh nghiệm, marketing, bán hàng... Các hãng mỹ phẩm lớn luôn “nuôi” nhiều nhà khoa học chuyên nghiên cứu các dược chất mới, các phương pháp hay công nghệ mới để ứng dụng vào sản phẩm mà các quốc gia mới nổi khó lòng làm được. Chính vì vậy, tham gia vào thị trường mỹ phẩm luôn là một bước đi đầy dũng cảm của các nhà sản xuất trong nước. Đáng mừng là thị trường này đã và đang ghi dấu ấn của một số doanh nghiệp nhỏ, chọn cho mình dòng hàng riêng biệt, như: mỹ phẩm hữu cơ, mỹ phẩm tự nhiên phù hợp với khí hậu, điều kiện Việt Nam hoặc tận dụng được các nguồn dược liệu, cây cỏ trong nước để ứng dụng vào sản xuất. Việc có vươn lên được thành một tên tuổi “khổng lồ” hơn trong ngành hàng mỹ phẩm hay không thì khó nói trước, song sự khởi đầu nào của các thương hiệu Việt cũng là điều đáng khuyến khích và kỳ vọng.
Vi Lâm