Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất Bộ Giao thông - vận tải kiến nghị Chính phủ chọn phương án 7 với thiết kế hình ảnh lá dừa nước làm kiến trúc nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất Bộ Giao thông - vận tải kiến nghị Chính phủ chọn phương án 7 với thiết kế hình ảnh lá dừa nước làm kiến trúc nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Các chuyên gia Hàn Quốc tham quan mô hình thiết kế nhà ga Sân bay quốc tế Long Thành (ảnh: minh họa). |
Đây là phương án có số điểm cao nhất, tuy nhiên phương án này còn những băn khoăn dưới góc nhìn của giới chuyên môn.
Theo nhận định của ACV, 3 phương án: 7 (lá cọ, dừa nước), 3 (hoa sen cách điệu) và 4 (sử dụng tre trong nội thất) đều có kiến trúc phù hợp, tính khả thi cao, đáp ứng tối đa các yêu cầu về công năng sử dụng, thẩm mỹ, ý nghĩa, tính chất quan trọng của công trình và phù hợp với quy hoạch của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tuy nhiên, phương án 7 được hội đồng chấm điểm cao nhất vì đơn vị thiết kế lấy ý tưởng cách điệu từ hình ảnh lá dừa nước đặc trưng của sông nước của Việt Nam, đặc biệt khu vực Nam bộ, để áp dụng vào phần mái công trình nhà ga. Ở bên trong ga đi, đơn vị thiết kế cũng lấy ý tưởng những con thuyền di chuyển trên sông nước đồng quê Việt Nam cho các quầy hàng.
Phương án kiến trúc này sử dụng các mảng xanh khá nhiều cho cả phần nội, ngoại thất công trình và tạo ra các điểm nhấn ở khu kinh doanh dịch vụ, khu phòng chờ khách tại sảnh ga đi thể hiện một nhà ga năng động và hiện đại. Đây cũng là phương án kết cấu đơn giản, phù hợp với điều kiện thi công có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Theo kiến trúc sư Khương Mỹ Đức Chương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ kiến trúc sư trẻ Đồng Nai, với 3 phương án kiến trúc nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành được hội đồng chấm điểm cao và ACV cho là phù hợp, có tính khả thi, thì phương án số 4 nội thất bằng tre đang là băn khoăn.
“Về mặt môi trường thì phương án này tốt, nhưng về kết cấu tuổi thọ công trình, công tác duy tu bảo dưỡng sau này là rất khó và tốn kém” - ông Chương nói.
Về hình ảnh phần mái của công trình thì phương án hoa sen hay lá dừa nước cũng chỉ nhìn được từ trên cao. Xét về mặt kỹ thuật thì phần mái của 2 phương án này có độ vươn khá rộng, khó đảm bảo cho việc thi công.
Kiến trúc sư Lý Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, cho rằng với phương án số 7 để tạo được hình dáng lá dừa nước sẽ phải làm thành những nếp sống trên mái. Như vậy sẽ tạo ra rất nhiều những “máng xối” trên mái, điều này sẽ khó xử lý cho việc thoát nước mưa.
“Ở miền Nam có 6 tháng mùa mưa, lượng nước rất nhiều, trong khi đó phần mái của nhà ga này có diện tích lớn, xử lý không tốt về thoát nước sẽ làm ảnh hưởng đến nội thất công trình” - ông Phương chia sẻ.
Việc này cũng được hội đồng đánh giá chỉ ra, phương án 7 có khuyết điểm là kiến trúc mái nhà ga hình rẻ quạt với nhiều nếp gấp cách điệu hình ảnh lá dừa nước, chia mái thành nhiều mảng nhỏ có thể làm tăng chi phí đầu tư do phải đảm bảo thoát nước, tăng chi phí thi công và bảo trì công trình.
Khắc Giới