Báo Đồng Nai điện tử
En

Không gian chính sách nào cho doanh nghiệp?

10:10, 17/10/2016

Hội nhập mở ra những cơ hội thị trường mới không thể chối cãi, song lại đặt ra thử thách căn bản nhất cho cả doanh nghiệp lẫn những nhà làm chính sách: liệu không gian chính sách dành riêng cho việc hỗ trợ doanh nghiệp sẽ còn lại bao nhiêu khi thị trường đã trở thành một thị trường chung?

Hội nhập mở ra những cơ hội thị trường mới không thể chối cãi, song lại đặt ra thử thách căn bản nhất cho cả doanh nghiệp lẫn những nhà làm chính sách: liệu không gian chính sách dành riêng cho việc hỗ trợ doanh nghiệp sẽ còn lại bao nhiêu khi thị trường đã trở thành một thị trường chung? Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia các cam kết: cam kết WTO; cam kết trong các FTA truyền thống và các cam kết FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA).

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Thông thường, nhiều quốc gia vẫn chọn cách xây dựng hàng rào kỹ thuật và các tiêu chuẩn khắt khe về hàng hóa nhập khẩu như một cách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội địa khi tham gia sâu vào hội nhập; hoặc đưa ra các yêu cầu chi tiết đôi khi đến mức… vô lý về nguồn gốc xuất xứ, vùng nguyên liệu, yêu cầu về bảo vệ môi trường trong các khâu sản xuất… Tuy nhiên, điều này có lẽ chưa bao giờ là điểm mạnh của Việt Nam. Một mặt, thị trường trong nước vẫn là một thị trường mới mẻ, được xếp vào hàng “dễ dãi” nên khó mà đưa ra những tiêu chuẩn quá hà khắc với hàng nhập khẩu vì sẽ tạo ra mâu thuẫn ở nhiều khâu. Thêm vào đó, mặc dù được đánh giá là nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ hội nhập rất nhanh, song Việt Nam gần như chưa có nhiều kinh nghiệm về bảo hộ hàng hóa trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng các chính sách bảo vệ các ngành kinh tế nội địa…

Vậy có không gian nào cho các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa trong thời hội nhập? Theo nhiều chuyên gia, dĩ nhiên Nhà nước vẫn phải quan tâm đến các vấn đề, như: xây dựng hàng rào kỹ thuật sát với thực tế hội nhập; cho ra những bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn riêng cho hàng hóa lưu hành nội địa; siết chặt các quy tắc về xuất xứ nguyên liệu hàng hóa… Ngoài ra, còn có những cách làm khác. Báo Saigon Times dẫn ý bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ một hội thảo chuyên ngành tại Hà Nội, cho rằng việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện được.

Theo bà Trang, Nhà nước vẫn có thể có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (giới hạn theo loại biện pháp), các biện pháp hỗ trợ các chủ thể kinh doanh nhỏ, trợ cấp dưới các hình thức nghiên cứu, đào tạo, cơ sở hạ tầng... Ngoài ra, còn có các biện pháp trợ cấp không cá biệt như không hướng tới một/một nhóm doanh nghiệp cụ thể riêng biệt nào. Những biện pháp hỗ trợ này sẽ không vi phạm các cam kết tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Cơ hội và thách thức là 2 từ quen thuộc khi nhắc đến việc Việt Nam hội nhập, là 2 mặt song hành. Song với sự chuẩn bị kỹ càng, cơ hội sẽ nhiều hơn, và ngược lại, thiếu sự chuẩn bị tỉ mỉ, doanh nghiệp nội địa có khi còn khó khăn hơn vì các FTA không phải là “chiếc đũa thần” cho họ.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều