Người nuôi cá sấu tại Đồng Nai đang đối mặt với thua lỗ nặng khi trong vài tháng qua, giá cá sấu giảm sâu do thị trường Trung Quốc giảm "ăn" hàng.
Người nuôi cá sấu tại Đồng Nai đang đối mặt với thua lỗ nặng khi trong vài tháng qua, giá cá sấu giảm sâu do thị trường Trung Quốc giảm “ăn” hàng. Cách đây hơn 1 tháng, giá cá sấu thương phẩm bán tại trại từ 70-72 ngàn đồng/kg, nhưng nay lại vừa giảm xuống chỉ còn trên 50 ngàn đồng/kg, còn rẻ hơn giá thịt gà ta. Thương lái cũng chỉ chọn mua loại cá sấu có trọng lượng từ 12-15 kg/con. Cá sấu có trọng lượng càng lớn càng bị ép giá và rất khó bán. Khoảng 2 năm trước, nuôi cá sấu đạt thu nhập “khủng” vì thương lái vào tận trại trả giá sàn lên đến 220 ngàn đồng/kg. Theo đó, trong một thời gian ngắn, phong trào nuôi cá sấu rộ lên trên địa bàn tỉnh, nhưng do thị trường tiêu thụ của loài vật nuôi này đang phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc nên rơi vào cảnh bị ép giá.
Không chỉ Đồng Nai, người nuôi cá sấu ở các tỉnh miền Tây cũng đối mặt với nợ nần khi giá cá sấu giảm sâu, thành phẩm không bán được cho thương lái, trong khi loài vật nuôi này không dễ dàng để bán đại trà trên thị trường như thịt gà, thịt heo… Trước đây, nhiều người nuôi nhím, chim trĩ, lươn, cá chép giòn..., hoặc trồng một số loại cây đặc sản cũng từng nếm vị đắng khi các mối hàng của họ ngưng mua.
Nuôi, trồng các loại cây, con độc đáo, hiếm có như một loại đặc sản cung ứng ra các thị trường ngách, được coi là cách làm thông minh, sáng tạo của nhiều nông dân. Nhưng đặc sản chỉ là đặc sản khi chúng phát triển ở quy mô nhỏ, đặc thù ở vài địa phương và ít người làm được. Một khi chúng đã được nhân rộng, phổ biến đại trà thì không còn là đặc sản nữa. Khi số lượng tăng lên nhiều, thị trường tiêu thụ hẹp, đặc sản lại dễ dàng trở thành “quả đắng” với nông dân. Giá giảm, thậm chí thương lái từ chối mua dẫn đến thua lỗ nặng là chuyện bình thường.
Điều này đặt ra một vấn đề cũ là vì sao người nông dân chỉ lệ thuộc một vài mối hàng thu mua để xuất sang Trung Quốc, mà lại sẵn sàng đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để nuôi, trồng các loại cây, con đặc sản? Và không chỉ có các loại đặc sản, rất nhiều cây trồng và vật nuôi của Việt Nam hiện tại cũng chỉ nhằm đáp ứng thị trường Trung Quốc, không có nhiều người tập trung đầu tư cho việc mở rộng các thị trường khác để có nhiều lựa chọn hơn khi tiêu thụ.
Một trong những nguyên nhân là do nông dân thiếu thông tin, thiếu những định hướng rõ ràng về nhu cầu và thị trường tiêu thụ nông sản. Họ chỉ biết nuôi, trồng và quan sát thị trường trong một phạm vi rất nhỏ, do đó dễ chạy theo phong trào và dễ thất bại khi thị trường đổi chiều. Điều này thật ra rất khó thay đổi, bởi nó cần đến sự vận hành của cả một hệ thống mà chỉ riêng một nông dân, doanh nghiệp hay một ban, ngành ở địa phương nào đó rất khó thực hiện. Nông dân nuôi, trồng trên chính mảnh vườn, khoảnh ao của mình, song sản phẩm lại được tiêu thụ ở tận miền Bắc, miền Trung, Thái Lan, Trung Quốc…, và họ không thể chỉ quan sát ở ngôi chợ đầu làng để nắm thông tin. Tất cả những dự báo, quy hoạch, công bố thông tin, hướng dẫn hay khuyến khích nuôi, trồng phải đến từ những cơ quan quản lý giỏi, năng động và có trách nhiệm. Có như vậy, những “quả đắng” mới bớt dần, nông dân chuyên nghiệp hơn và bớt thua lỗ.
Vi Lâm