Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân - ngân hàng vẫn khó gặp nhau?

09:06, 20/06/2016

Hiện hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn được nông dân đánh giá có nhiều cải thiện so với trước về cả thủ tục lẫn lãi suất cho vay.

Hiện hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn được nông dân đánh giá có nhiều cải thiện so với trước về cả thủ tục lẫn lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng đã “phủ sóng” về nông thôn và nông dân coi việc vay ngân hàng để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt là hoạt động bình thường. Gần đây, ngoài việc vay vốn ngắn hạn, không ít nông dân có nhu cầu vay hàng chục tỷ đồng để đầu tư dây chuyền công nghệ, mở rộng trang trại theo hướng hiện đại, khép kín như một doanh nghiệp thực thụ với lối làm ăn tính toán lâu dài. Tuy nhiên, trước nhu cầu vay vốn trung và dài hạn tăng nhanh, nguồn cung vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Chưa đáp ứng được không phải vì ngân hàng thiếu vốn mà do sau nhiều năm nỗ lực, nhiều nông dân có nhu cầu và ngân hàng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho biết đầu tư một trang trại nuôi gà quy mô công nghiệp cần đến vài chục tỷ đồng. Ngân hàng thì rất dồi dào nguồn vốn, nông dân cũng có nhu cầu vay vốn lớn để mở rộng đầu tư nhưng vẫn khó vay. Trong đó, vấn đề về tài sản thế chấp, tính khả thi của dự án... là những rào cản không nhỏ. Ông Quyết so sánh: “Khi đem tài sản thế chấp ngân hàng, giá đất tính theo thị trường được 3 tỷ đồng thì theo mức tính của Nhà nước chỉ còn 1 tỷ đồng, ngân hàng lại cho vay không quá 70% giá trị. Nông dân chúng tôi lấy đâu ra tài sản thế chấp khi muốn vay đến vài chục tỷ đồng để đầu tư?”.

Thực tế, vẫn có một số cá nhân đầu tư trang trại chăn nuôi sau đó cho thuê tiếp cận được nguồn vốn dài hạn, nhưng theo hình thức “vay vốn không được cầm tiền”. Vốn ngân hàng trực tiếp rót vào các khoản đầu tư dự án và khi dự án hoàn thành, nguồn tiền đơn vị thuê trả cho nhà đầu tư đều do ngân hàng thu. Nhà đầu tư vẫn phải thế chấp tài sản để vay vốn nhưng chỉ khi ngân hàng khấu hao hết tiền gốc và tiền lãi thì dự án đó mới thuộc về nhà đầu tư. Thường thì cần thời gian rất dài nhà đầu tư mới có lợi nhuận nên rất khó tích lũy ngay được nguồn vốn để tiếp tục mở rộng phát triển. Ông Hồ Sáu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Việt Nông Lâm (huyện Trảng Bom), chia sẻ giai đoạn này doanh nghiệp đang mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời cần tích trữ nguồn nông sản cho chế biến nên đã đến một số ngân hàng để vay vốn dài hạn, nhưng rồi doanh nghiệp phải tự xoay sở vì không tiếp cận được vốn vay. “Đất của chúng tôi theo giá thị trường là 5 tỷ đồng, nhưng đem thế chấp cho ngân hàng chỉ vay được vài trăm triệu” - ông Sáu nói.

Tuy nhiên, cũng sẽ khó cho phía ngân hàng nếu nông dân vẫn giữ tư duy truyền thống trong đầu tư dự án hoặc mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp. Nhiều nông dân sử dụng đất đai truyền từ đời này sang đời khác, không quan tâm lắm đến việc hợp thức hóa, chuyển mục đích sử dụng đất hoặc chứng minh tài sản trên đất một cách rõ ràng, minh bạch nên khi định giá để cho vay, phía ngân hàng cũng khó định giá cao. Ở một số trường hợp, “giá thị trường” cũng là giá mà nông dân đưa ra một chiều, rất khó xác định tính thực tế và ngân hàng buộc phải căn cứ vào mức giá đền bù của Nhà nước để định giá tài sản cho vay. Các mô hình quản lý quy mô nhỏ theo kiểu gia đình, tính khả thi của dự án chưa được thuyết trình đầy đủ các khía cạnh (bao gồm cả các mặt rủi ro) nên cũng khó đòi hỏi ngân hàng đồng quan điểm khi cho vay. Xử lý các món nợ xấu với rủi ro cao luôn là nỗi lo sợ của cán bộ tín dụng ở bất kỳ ngân hàng nào, chưa kể rủi ro trong sản xuất nông nghiệp thường cao hơn các lĩnh vực khác. Do đó, vẫn tồn tại tình trạng chưa tìm được tiếng nói chung trong tín dụng khu vực nông thôn.

Chuyên nghiệp hóa quản trị, chứng minh tài sản rõ ràng, đầu tư dự án có tính khả thi cao... là những điều mà nông dân cần chú trọng khi muốn tiếp cận vốn ngân hàng. Đặc biệt là nguồn vốn giá rẻ, vì luôn có nguyên tắc bất thành văn: doanh nghiệp khỏe mạnh lúc nào cũng được vay vốn với lãi suất rẻ hơn, kể cả lĩnh vực cần ưu ái như nông nghiệp cũng không ngoại lệ.

Lâm Nguyên

 

Tin xem nhiều