Báo Đồng Nai điện tử
En

Bấp bênh nông sản

10:05, 16/05/2016

11,4 triệu tấn gạo dự trữ với tổng giá trị khoảng 2,8 tỷ USD đã được Chính phủ Thái Lan thông báo sẽ đưa ra thị trường thế giới trong tháng 5 và 6.

11,4 triệu tấn gạo dự trữ với tổng giá trị khoảng 2,8 tỷ USD đã được Chính phủ Thái Lan thông báo sẽ đưa ra thị trường thế giới trong tháng 5 và 6. Chỉ trong 2 tháng, kho gạo dự trữ lớn chưa từng có của quốc gia này sẽ được tung ra thị trường (còn nhiều hơn số gạo trung bình khoảng 10 triệu tấn hàng năm Thái Lan xuất khẩu). Thông tin này đã làm nhiều nhà xuất khẩu gạo quốc tế, trong đó có Việt Nam dao động. Một số doanh nghiệp Việt Nam phản ánh với Bộ Công thương là một số đối tác đã dừng mua gạo để nghe ngóng, chủ yếu xem giá gạo Thái Lan bán ra có hạ hơn so với bình thường không.

Lãnh đạo Bộ Công thương đã có động thái trấn an kịp thời, trong đó có ý phân khúc của gạo Thái và gạo Việt là khác nhau. Gạo Thái Lan thường được bán với giá cao hơn gạo Việt Nam, vào những thị trường khó tính hơn, như: châu Âu, Hoa Kỳ… trong khi gạo Việt Nam yếu thế hơn về thương hiệu nên giá rẻ hơn và bán cho những thị trường dễ tính hơn. Điều đáng ngại là nếu Thái Lan giảm giá để bán hàng nhanh thì gạo Việt Nam sẽ gặp khó.

Câu chuyện trên cùng nhiều câu chuyện khác gợi lên câu hỏi nhức nhối về việc làm sao để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Không chỉ gạo, mà còn cà phê, hạt điều, cao su, thanh long, xoài, nhãn, vải, thịt heo, thịt gà, thủy sản… Nếu có thương hiệu và uy tín vững chắc, nông sản Việt Nam có lẽ không lao đao đến thế mỗi khi thị trường có những biến động nhất định, hoặc khi các mặt hàng bị hàng của các quốc gia khác cạnh tranh trực diện.

Không thể phủ nhận thực tế là đến giờ này, một trong số các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, và chủ yếu vẫn theo đường tiểu ngạch. Với canh tác manh mún, tiêu chuẩn hàng hóa vẫn còn thấp, chưa có thương hiệu… thì dường như thị trường Trung Quốc là một trong số ít thị trường chấp nhận nông sản Việt Nam một cách đại trà nhất. Tuy vậy, cũng rất nhiều lần phía Trung Quốc bất ngờ dừng nhập khẩu khiến nhiều loại nông sản ùn ứ tại cửa khẩu, hư hỏng phải đem đổ bỏ, như: vải, thanh long, xoài, dưa hấu, nhãn… và mới đây nhất là heo. Hiện tại, phía Trung Quốc đang tạm ngưng “ăn hàng” nên heo ứ tại cửa khẩu, giá heo hơi giảm mạnh, nhiều nông dân Đồng Nai đứng trước nguy cơ thua lỗ do vội vàng tăng đàn để kiếm lãi khi thị trường đang “nóng”.

Vì không có thương hiệu nên nhiều loại nông sản chịu sự bấp bênh về giá, về sản lượng, ít cơ hội vào các thị trường bền vững, ổn định và uy tín hơn. Đó là xét trên “mặt trận” xuất khẩu, và nguy cơ lớn hơn đang đến là ngay tại thị trường nội địa, người tiêu dùng cũng sẽ có xu hướng chọn mua nông sản nhập khẩu nếu có xuất xứ và thương hiệu rõ ràng. Khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, “sân nhà” hay “sân khách” không còn là 2 khái niệm tách biệt nữa, mà sẽ trở nên gần gũi hơn vì nông sản nhập khẩu sẽ có khả năng đánh bật hàng trong nước ra khỏi kệ hàng nếu hàng trong nước thua kém về chất lượng và thương hiệu.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều