Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi nghiệp - không phải chuyện mộng mơ

07:06, 14/06/2016

Nếu theo dõi kỹ, những thông điệp rõ ràng nhất từ Chính phủ Việt Nam trong vài tháng gần đây đặt trọng tâm vào vấn đề khởi nghiệp.

Nếu theo dõi kỹ, những thông điệp rõ ràng nhất từ Chính phủ Việt Nam trong vài tháng gần đây đặt trọng tâm vào vấn đề khởi nghiệp. Từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến một số bộ trưởng, hầu hết đều khuyến khích và mong mỏi người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ hãy bắt tay vào khởi nghiệp kinh doanh, sản xuất, biến Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp.

Tuy nhiên, cả Chính phủ lẫn những doanh nghiệp hoạt động lâu năm, những chuyên gia kinh tế đều nhận thấy khởi nghiệp không bao giờ là câu chuyện của mộng mơ, không bao giờ dễ dàng. Việt Nam được cho là còn “dư địa” rất lớn trong chuyện phát triển doanh nghiệp khi mục tiêu là thành lập 5 triệu doanh nghiệp, trong khi hiện tại cả nước mới có khoảng 0,5 triệu doanh nghiệp (số liệu từ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI). Như vậy, phải cần đến một cuộc “cách mạng khởi nghiệp” may ra mới có thể nhân lên con số doanh nghiệp gấp 10 lần như mong muốn. Chính vì vậy, chưa bao giờ khởi nghiệp được khuyến khích nhiều đến thế.

Nhưng, mặc dù được khuyến khích, bao nhiêu người đã khởi nghiệp thành công, nếu không muốn nói là đa số đã thất bại ngay từ lần khởi nghiệp đầu tiên? Khởi nghiệp, đặc biệt ở những người trẻ, thực sự chưa bao giờ là dễ dàng hay lý tưởng cả, đặc biệt tại Việt Nam - nơi chưa có một “môi trường sinh thái” cơ bản tốt đáp ứng cho sự tồn tại của những doanh nghiệp mới mẻ, hoặc đơn giản là phát triển (chưa nói đến chuyện nuôi dưỡng) những ý tưởng khởi nghiệp phát sinh mỗi ngày.

“Hệ sinh thái cho khởi nghiệp” ở đây được biết đến là những yếu tố để hỗ trợ cho các ý tưởng và doanh nghiệp khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ. Khi một người có ý định khởi nghiệp, họ có thể tìm nơi đầu tư vốn và thuyết phục họ bỏ vốn; có các công ty nghiên cứu và cung cấp thông tin về sản phẩm/dịch vụ mà họ đang khởi nghiệp; có các nơi hỗ trợ thị trường và hàng chục các điều kiện khác để giúp nuôi sống và duy trì những ý tưởng khởi nghiệp khả thi. Hiển nhiên, mọi thứ cũng phải bắt nguồn từ chính sách. Nếu chính sách về vốn, tín dụng, thủ tục và hàng trăm thứ khác không cân nhắc vai trò của doanh nghiệp tư nhân cao hơn nữa, thì sẽ rất khó cho việc gây dựng một phong trào khởi nghiệp thành công.

TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Kinh tế quản lý Trung ương (CIEM), từng nhận định về lý thuyết một nền kinh tế không thể phát triển nếu kinh tế tư nhân không phải là đầu tàu cho nền kinh tế đó. Nhưng vẫn còn nhiều rào cản trên con đường phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Cụ thể, thể chế, chính sách hiện tại của Việt Nam đang tạo bấp bênh, rủi ro lớn, chi phí “bôi trơn” cao… Môi trường kinh doanh đó khiến doanh nhân bình thường khó trụ vững hay tính toán làm ăn lâu dài, huống chi là hỗ trợ cho những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên những bước đầu tiên của khởi nghiệp với sự thiếu thốn đủ thứ: vốn, kinh nghiệm…

Về phía những người khởi nghiệp, có lẽ cần phải có cái nhìn thực tế hơn nữa vì mặc dù dư địa phát triển còn rất nhiều, song kinh doanh không dành cho những người quá mộng mơ. Theo nhiều chuyên gia, có hai bài toán lớn cho các khởi nghiệp mà tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa có lời giải. Đó là người sáng lập thiếu kinh nghiệm và khả năng tiếp cận vốn rất hạn chế. Trong đó, tìm nguồn vốn và thuyết phục họ đầu tư là vấn đề khó khăn nhất cho khởi nghiệp kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay, trước làn sóng khởi nghiệp, đã có một số quỹ đầu tư trong và ngoài nước tham gia, như: IDT (Việt Nam), Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate (Singapore), IDG, 500 Startup (Mỹ)... Song nhìn chung thì số lượng quỹ đầu tư chưa nhiều và số tiền bỏ ra cho các dự án cũng rất hạn chế. Việc không thể tiếp cận nguồn vốn ảnh hưởng rất lớn tới việc duy trì hoạt động của dự án khởi nghiệp, dễ dẫn dến sự thất bại.

Vậy nên, có cái nhìn thực tế, dè dặt và chắc chắn hơn về khởi nghiệp sẽ khả thi hơn trong những năm tới, khi Việt Nam hội nhập sâu vào mọi ngành nghề. Từ đó, những người đứng đầu Chính phủ cũng sẽ có cái nhìn thực tế hơn trong việc ban hành các chính sách khuyến khích cho khởi nghiệp.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều