Báo Đồng Nai điện tử
En

Coi chừng bị "cấm cửa" vay tiêu dùng

10:05, 30/05/2016

Mới đây, giáo viên một trường trung học tại huyện Định Quán đã "ngã ngửa" khi một ngân hàng thông báo không đủ điều kiện vay tín chấp tiêu dùng tại ngân hàng do bị nợ xấu khi mua hàng trả góp.

Mới đây, giáo viên một trường trung học tại huyện Định Quán đã “ngã ngửa” khi một ngân hàng thông báo không đủ điều kiện vay tín chấp tiêu dùng tại ngân hàng do bị nợ xấu khi mua hàng trả góp. Mặc dù đã vay tín chấp tiêu dùng tại ngân hàng này nhiều năm và trả nợ rất đúng thời hạn, cô vẫn không được duyệt vay do vướng phải nợ xấu khi mua điện thoại ở một cửa hàng bán đồ trả góp và chịu một khoản vay lãi suất cao từ phía một công ty tài chính khác. Do không trả nợ đúng hạn cho khoản vay trả góp này, lịch sử tín dụng cá nhân của vị giáo viên cập nhật trên toàn hệ thống. Khi thấy phát sinh nợ xấu, ngân hàng dừng cho vay.

Phía ngân hàng không sai dù theo suy nghĩ thông thường, giáo viên trên không gây nợ xấu tại ngân hàng muốn vay. Tuy nhiên, khi mua hàng trả góp (thực chất cũng là một hình thức vay tiêu dùng với lãi suất cao hơn và thủ tục dễ dàng hơn), người vay không chấp hành thời hạn trả nợ, lịch sử tín dụng cá nhân bị cập nhật lên hệ thống, bộ phận tín dụng của các ngân hàng đều có thông tin này, và giáo viên trên không còn được đánh giá là khách hàng đáng tin cậy nữa.

Sở dĩ ngân hàng và các công ty tài chính kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng khách hàng cá nhân là nhằm mục đích để giảm rủi ro nợ xấu đến mức thấp nhất. Không chỉ áp dụng quy định này khi khách hàng vay tiêu dùng tín chấp trả nợ chậm, các ngân hàng còn áp dụng quy định đó cho cả mua trả góp, thẻ tín dụng, vay thế chấp… Nghĩa là với bất kỳ giao dịch tín dụng nào không đảm bảo thời gian trả tiền đúng hạn, khách hàng đều dễ dàng bị liệt vào “sổ đen”.

Thực tế, hiện có khá nhiều người tiêu dùng gần đây khi mua hàng trả góp tại các cửa hàng điện máy, điện thoại, các trung tâm mua sắm… đã chủ quan, chậm trả góp hàng tháng nên bị liệt vào hạng “nợ xấu”. Và điều đáng nói là thông tin đó được cập nhật lên một hệ thống chung, có thể khiến họ bị “cấm cửa” khi có nhu cầu vay tiêu dùng tại các ngân hàng. Cụ thể, khi khách hàng vay vốn, mọi thông tin đều được quản lý trên “Hệ thống chấm điểm tín dụng” thông qua “Trung tâm thông tin tín dụng” gọi tắt là CIC (Credit Information Center), trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng/tổ chức sẽ cung cấp cho CIC thông tin về các khoản vay, tên người vay, và quá trình thanh toán khoản vay đó. Sau đó, CIC sẽ tổng hợp thành một cơ sở dữ liệu thống nhất phản ánh lịch sử tín dụng của từng cá nhân. Bị xếp vào nợ nhóm 2 trở lên, khách hàng sẽ không được duyệt vay tiêu dùng tại các ngân hàng nữa và chỉ được xem xét lại khi đã gỡ bỏ nợ xấu.

Hiện nay, các công ty tài chính và một số ngân hàng nhỏ duyệt vay tiêu dùng khi mua hàng rất dễ dãi, chỉ cần chứng minh nhân dân, hóa đơn tiền điện hoặc bảng lương photo là dễ dàng được duyệt vay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng khi mua trả góp hàng hóa, như: điện thoại di động, máy tính bảng, các thiết bị nội thất… Tuy nhiên, lãi suất mua trả góp tính theo tháng rất cao so với vay tiêu dùng tại các ngân hàng lớn. Mức lãi khi mua trả góp hàng hóa do các công ty tài chính áp dụng có thể lên đến gần 40%/năm tùy món hàng và phương pháp trả, gấp gần 3 lần mức lãi vay tiêu dùng mà các ngân hàng lớn đang áp dụng. Mua hàng và vay tiền quá dễ dãi nên nhiều khách hàng không để ý đến lãi suất cao cũng như những hệ lụy phát sinh khi chậm trả tiền hàng tháng.

Lịch sử tín dụng cá nhân là một trong những khía cạnh khi xem xét cho vay tiêu dùng cá nhân, thậm chí sẽ là một số liệu tham khảo khá quan trọng khi cá nhân đó đại diện cho tổ chức hay doanh nghiệp vay vốn lưu động, vay vốn đầu tư dự án... Do đó, cần xem xét kỹ lưỡng và cẩn trọng với những lời chào mời mua hàng trả góp dễ dàng và phổ biến hiện nay.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều