Báo Đồng Nai điện tử
En

BOT - lợi ích và trách nhiệm

11:05, 23/05/2016

Từ các chuỗi sự kiện diễn ra gần đây liên quan đến việc một số quốc lộ trên cả nước vừa đưa vào khai thác chưa lâu đã xuất hiện tình trạng sụt lún, xuống cấp trong khi người dân vẫn phải đóng phí mỗi lần đi đường, đặt ra câu hỏi cho các cấp quản lý: giám sát thu phí các dự án BOT thế nào? Làm sao cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân trong các dự án này?

Từ các chuỗi sự kiện diễn ra gần đây liên quan đến việc một số quốc lộ trên cả nước vừa đưa vào khai thác chưa lâu đã xuất hiện tình trạng sụt lún, xuống cấp trong khi người dân vẫn phải đóng phí mỗi lần đi đường, đặt ra câu hỏi cho các cấp quản lý: giám sát thu phí các dự án BOT thế nào? Làm sao cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân trong các dự án này?

Báo Người lao động đưa thông tin tại buổi tọa đàm diễn ra ngày 20-5 tại Hà Nội với chủ đề “Minh bạch thu phí dự án BOT giao thông”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng đang có tình trạng phí chồng phí - doanh nghiệp vừa đóng phí trên đầu phương tiện lại đóng phí BOT. Trạm thu phí bủa vây khắp nơi nên họ phải đóng phí vận tải quá nhiều và gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh.

Thực tế là không nhiều quốc gia đủ ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông cho người dân sử dụng miễn phí và hình thức kêu gọi vốn từ doanh nghiệp được xem là một cứu cánh để có vốn làm đường. Trong nhiều năm qua, Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng đã gọi vốn thành công cho nhiều dự án có số vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng/dự án, bộ mặt giao thông thay đổi hẳn. Một cách sòng phẳng thì người dân có đường để đi, họ sẽ phải chấp nhận trả phí. Tuy nhiên, điều quan trọng là trả bao nhiêu là hợp lý để phí đi đường không trở thành một cái gánh quá nặng cho người dân, mà doanh nghiệp vẫn thu lại được vốn đã bỏ ra để làm đường.

Tin vui là Bộ Giao thông - vận tải đang cho rà soát lại tất cả các trạm thu phí trên cả nước, xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp kiến nghị là các trạm thu phí đặt quá dày đặc, họ phải trả nhiều lần phí quá gần nhau. Cũng trong bài tường thuật trên Báo Người lao động,  Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ đang rà soát lại tất cả trạm BOT trên cả nước. Trong 71 trạm BOT đang và sắp đưa vào hoạt động, 60 trạm cơ bản đáp ứng khoảng cách theo quy định, 11 trạm cần phải xem xét nhập lại để giãn khoảng cách. Trong vòng bán kính 50km thì không đặt quá 3 trạm với các dự án BOT khác nhau, nếu có, nhà đầu tư sẽ phải ghép các trạm lại để người dân không phải trả phí cho quá nhiều trạm trên một đoạn đường.

Lợi ích cho nhà đầu tư - lợi ích cho nhà nước - lợi ích cho người dân là những bài toán đa đáp số mà các dự án BOT phải giải quyết. Không ai bỏ vốn làm đường mà không có lãi cả, song lãi ở mức nào là hợp lý, trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng công trình đến đâu, thu phí bao nhiêu và thu bao nhiêu năm, ai giám sát lượng tiền thu phí hàng năm để có những điều chỉnh hợp lý... là điều mà Bộ Giao thông - vận tải phải làm. Thiết nghĩ, mỗi dự án BOT, người dân cần phải được tiếp cận công khai tiến trình thu hồi vốn của doanh nghiệp đầu tư thông qua mức phí công khai hàng năm, thời gian thu phí, lưu lượng xe theo tính toán và trên thực tế… để doanh nghiệp vừa có lãi, Nhà nước nhẹ gánh đầu tư và người dân chỉ trả một mức phí hợp lý khi đi trên các con đường BOT.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều