Mấy ngày gần đây, nhiều báo trích dẫn ý kiến của một vị quan chức bên lề Đại hội XII của Đảng, cho rằng "bây giờ không ai muốn làm nông dân.
Mấy ngày gần đây, nhiều báo trích dẫn ý kiến của một vị quan chức bên lề Đại hội XII của Đảng, cho rằng “bây giờ không ai muốn làm nông dân. Nông thôn và nông dân biến thành sân sau của công nghiệp và doanh nghiệp, nhưng lại không được hưởng lợi”.
Tuy nhiên, thực tế có diễn ra như thế? Quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp hiện tại phải dựa trên nền tảng 2 bên cùng có lợi, một bên sản xuất, một bên tiêu thụ hoặc chế biến, đều căn cứ trên thế mạnh của 2 bên và đa phần đều chịu những rủi ro tương tự nhau. Phía nông dân là thời tiết, mùa màng, sâu bệnh; phía doanh nghiệp là thị trường tiêu thụ, giá cả. Quá trình hợp tác, liên kết đó đôi khi vẫn xảy ra tình trạng 2 bên phá vỡ hợp đồng với nhau, hoặc phá giá cam kết khi vào mùa vụ. Nhưng để cải thiện điều này, cần một góc nhìn khác: chữ tín và tư duy làm việc chuyên nghiệp của cả 2 bên.
Có lẽ đã đến lúc nên nhìn nhận nông dân với tư cách một thành viên của chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, cũng công bằng bình đẳng như doanh nghiệp với đầy đủ những quyền lợi và nghĩa vụ, chứ không phải là một đối tượng hoặc lớp người yếu đuối cần được che chở và bảo vệ, như cái nhìn của xã hội hàng chục năm qua. Vì sao? Vì chỉ khi ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình công bằng và bình đẳng như mọi đối tượng làm ăn khác trong xã hội, thì mới thay đổi tư duy để làm việc chuyên nghiệp, học hỏi những gì cần học hỏi và áp dụng những gì cần áp dụng.
Tại Đồng Nai, và rộng ra là miền Tây Nam bộ, không ít doanh nghiệp đã vướng cảnh nông dân phá hợp đồng khi mùa vụ tới, dù giá thương lái chào mua bên ngoài chỉ đắt hơn vài trăm đồng/kg lúa, cacao, sầu riêng..., dù doanh nghiệp đã ký hợp đồng, đầu tư tiền và kỹ thuật, chốt giá tiêu thụ cho nông dân có lãi vào đầu vụ. Doanh nghiệp tiến thoái lưỡng nan vì hợp đồng đã ký, tìm đâu ra sản lượng lớn và chất lượng đồng đều để đáp ứng đơn hàng? Không ai đi kiện nông dân, huống gì hợp tác với hàng ngàn nông dân, kiện sao xuể? Vậy nên nhiều doanh nghiệp không dám nghĩ đến chuyện liên kết hàng ngàn hộ để hình thành vùng sản xuất lớn rồi tiêu thụ, vì ngại chữ tín của nông dân. Và ngược lại, cũng không ít doanh nghiệp bỏ của chạy lấy người khi thị trường, giá cả thay đổi, bỏ lại nông dân “ôm” cây trái đã tới mùa thu hoạch mà không biết bán cho ai, phải bán đổ bán tháo.
Vậy mối quan hệ giữa nông dân - doanh nghiệp cần được thay đổi từ những góc nhìn nhỏ nhất và gần gũi nhất: sự hợp tác công bằng, 2 bên cùng có lợi, sự uy tín trong việc tuân thủ hợp đồng, chế tài khi vi phạm và nhất là có thể tạo niềm tin lâu dài cho nhau trong cung cách làm việc của cả 2 bên. Nông dân không nên được “áp đặt” như là đối tượng mà doanh nghiệp cần “nương tay”.
Và ngược lại, doanh nghiệp cũng chỉ nên được xem xét với tư cách một đối tác làm ăn công bằng, sòng phẳng chứ không phải là đối tượng có trách nhiệm phải “cứu” ai. Vì không ai muốn làm ăn với những đối tượng “yếu đuối, thiếu chuyên nghiệp”, và thực tế quá trình hội nhập với hàng hóa và nông sản ngoại nhập cũng chẳng cần biết nông dân Việt yếu ớt và cần hỗ trợ thế nào, họ chỉ cạnh tranh bằng tất cả sự mạnh mẽ và chuyên nghiệp mà họ có.
Vi Lâm