Bất kỳ người dùng điện thoại di động nào tại Việt Nam cũng từng phiền lòng, thậm chí nổi cáu vì tin nhắn bán hàng qua điện thoại hoặc các cuộc gọi điện chào hàng, chào dịch vụ.
Bất kỳ người dùng điện thoại di động nào tại Việt Nam cũng từng phiền lòng, thậm chí nổi cáu vì tin nhắn bán hàng qua điện thoại hoặc các cuộc gọi điện chào hàng, chào dịch vụ. Từ bán sim, bán đất, bán căn hộ cao cấp, bán dịch vụ làm thẻ tín dụng, spa, cho đến mời mua bảo hiểm, mời vay ngân hàng… Tóm lại, từ món hàng tiền tỷ đến món hàng vài chục ngàn đồng, đội ngũ bán hàng của hàng ngàn doanh nghiệp đã chọn kiểu kinh doanh “khủng bố” người dùng: nhắn tin rác và gọi điện chào mời liên tục.
Thời “của khó người khôn”, nhiều người tiêu dùng mới đầu còn thông cảm từ chối lịch sự, sau bị phiền hà quá nhiều nên chỉ cần nghe xưng danh là cúp máy, thậm chí sợ không dám nghe số lạ vì sợ “dính” đòn quảng cáo. Điều đáng nói là kho dữ liệu cá nhân người dùng thuê bao điện thoại vẫn đang được rao bán vô tội vạ trên internet để trở thành khách hàng mục tiêu của các hoạt động bán hàng và cung ứng dịch vụ. Nghĩa là họ bỏ tiền để mua toàn bộ thông tin, số điện thoại… của hàng chục, hàng trăm ngàn người dùng điện thoại và sau đó liên tục nhắn chào hàng. Mặc dù Bộ Thông tin - truyền thông lẫn lãnh đạo các nhà mạng đã năm lần bảy lượt hứa xử lý tin nhắn rác, song mọi việc vẫn đâu vào đấy. Báo Thanh Niên dẫn số liệu gần đây cho biết, theo thống kê của Công ty an ninh mạng BKAV, 6 tháng đầu năm 2015, số lượng tin nhắn rác phát tán mỗi ngày lên tới 13,9 triệu tin, tăng hơn 0,4 triệu tin so với năm 2014. Ngoài các nội dung quen thuộc như làm quen, kết bạn, kết quả xổ số… tin nhắn rác có nội dung về nhà đất, bất động sản tăng cao. Cũng theo Bkav, khoảng 90% người dùng điện thoại di động thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền hàng ngày trong đó 43% là nạn nhân của tin rác. Ngoài tin quảng cáo còn có cả tin nhắn lừa đảo, như: mời người dùng soạn tin theo cú pháp được hướng dẫn, rồi gửi đầu số để được tặng tiền vào tài khoản hoặc nghe nhạc miễn phí. Khi người dùng nhắn tin theo, tài khoản sẽ bị trừ tiền; mạo danh người thân nhờ nạp thẻ, soạn tin trúng thưởng hoặc nghe nhạc chờ...
Về phương diện người tiêu dùng, họ đã gặp quá nhiều phiền phức. Tuy nhiên, ở góc độ người kinh doanh, liệu cách làm này có hiệu quả? Hiện tại gần như chưa có thống kê nào chứng minh hiệu quả của hình thức tiếp thị “khủng bố” này. Thế nhưng, rất nhiều tờ báo dẫn lời các chuyên gia tiếp thị, đều cho rằng tiếp thị thông qua việc tấn công bằng tin nhắn rác không những không hiệu quả mà còn làm xấu đi hình ảnh doanh nghiệp, làm yếu đi thương hiệu. Một số người tiêu dùng cho biết họ “dị ứng” với kiểu tiếp thị chào mời bằng tin nhắn và các cuộc gọi làm phiền đến nỗi mặc dù đang có nhu cầu, họ cũng không mua hàng hay sử dụng thương hiệu đó mà chọn công ty khác. Các tin nhắn rác cũng thường xuyên bị xóa hoặc bị bỏ qua mà không thèm đọc nội dung, các cuộc điện thoại cũng bị ngắt giữa chừng và tạo tâm lý bực bội cho người tiếp nhận. Những điều này, theo đánh giá đều gây bất lợi cho doanh nghiệp trong thời buổi cạnh tranh gay gắt hiện tại.
Cũng tờ Thanh Niên dẫn chứng, theo các chuyên gia, các nhà mạng không chặn tin rác vì họ có thể thu được tiền từ các công ty kinh doanh đầu số với tỷ lệ từ 50-60%. Giá một tin nhắn SMS từ 200 đồng - 290 đồng, với 13,9 triệu tin nhắn rác, mỗi ngày các nhà mạng chia nhau bỏ túi gần 2,8 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng. Đó là chưa kể với các tin nhắn rác mời gọi nhắn tin đến các đầu số dịch vụ thu phí cao từ 5 ngàn đồng/tin nhắn đến 10 ngàn đồng, 15 ngàn đồng/tin nhắn… thì nhà mạng còn thu được nhiều hơn. Có lẽ đây là lý do khiến hàng triệu người dùng điện thoại tại Việt Nam bị “khủng bố” mỗi ngày.
Vi Lâm