Một trong những biểu quyết quan trọng được thông qua tại kỳ họp Quốc hội khóa 13 vừa qua là tán thành quy định mức lãi suất cố định trong Bộ luật Dân sự về lãi suất tối đa.
Một trong những biểu quyết quan trọng được thông qua tại kỳ họp Quốc hội khóa 13 vừa qua là tán thành quy định mức lãi suất cố định trong Bộ luật Dân sự về lãi suất tối đa. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã sửa đổi nội dung về lãi suất tại khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự. Theo quy định mới, chi tiết đáng chú ý nhất là “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác”.
Như vậy, tất cả những tranh cãi xoay quanh các quan hệ dân sự trong lĩnh vực cho vay từ trước đến nay, như: “thế nào là vay nặng lãi” và “lãi suất vay bao nhiêu thì được phép và không bị tính là cho vay nặng lãi” đã được giải đáp qua lần sửa luật này. Trước đây, cơ sở tham chiếu duy nhất về việc được cho vay với lãi suất tối đa bao nhiêu được tính dựa trên mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nghĩa là cho vay tối đa không quá 150% mức lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước công bố. Tuy nhiên, nhiều năm nay lãi suất cơ bản không còn giá trị pháp lý trên thực tế và Ngân hàng Nhà nước gần như cũng “quên” luôn việc công bố chúng.
Điều này dẫn đến thực tế là cả trong luật dân sự lẫn các quy định chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước gần như không thống nhất được trần lãi suất cho vay trong các hoạt động vay vốn dân sự. Chưa tính đến các hoạt động tín dụng đen giữa cá nhân trên thị trường với nhau mà mức lãi suất được tính trên trời, ngay cả các ngân hàng thương mại hay công ty tài chính, công ty bảo hiểm cũng tính lãi suất vay loạn xạ, có nơi 18%, có nơi 24%, thậm chí có nơi trên 30%/năm. Với quy định mới, các tổ chức cá nhân khi cho vay sẽ không được phép tính lãi suất hàng năm cao hơn mức 20% tổng số tiền vay (trừ các trường hợp đặc biệt có quy định chuyên ngành). Nghĩa là với khoản vay 100 triệu đồng, người vay phải trả khoản tiền lãi cao nhất là 20 triệu đồng/năm. Mức lãi suất này được cho là hợp lý.
Thực tế, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại hiện tại đã giảm rất nhiều so với trước. Những doanh nghiệp có hồ sơ tín dụng tốt có trường hợp chỉ vay với lãi suất 5-6%/năm, còn lãi suất phổ biến ở mức 7-8%, cho vay tiêu dùng từ 10-13%/năm tùy ngân hàng và các khoản vay. Tuy nhiên, ở các công ty tài chính, mức lãi suất được tính cao hơn, thông thường từ 18-24%/năm.
Quy định mới rõ ràng hơn, hy vọng sẽ làm thị trường trở nên minh bạch hơn, và nhất là có lợi cho cả người vay lẫn cho vay. Theo nhiều nhận định, áp trần lãi suất không quá 20%/năm của khoản tiền vay sẽ chỉ phù hợp với các giao dịch vay mượn dân sự giữa các cá nhân hoặc tổ chức tự phát, không có sự bảo hộ của pháp luật, không chịu sự quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Vi Lâm