Một trong những thông tin đáng quan tâm gần đây là Singha Group, tập đoàn sản xuất đồ uống, hàng tiêu dùng của Thái Lan, vừa rót 1,1 tỷ USD để mua cổ phần của Masan Group.
Một trong những thông tin đáng quan tâm gần đây là Singha Group, tập đoàn sản xuất đồ uống, hàng tiêu dùng của Thái Lan, vừa rót 1,1 tỷ USD để mua cổ phần của Masan Group.
Masan hiện là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam, với mức vốn hóa khoảng 2,5 tỷ USD. Tập đoàn này đang nắm trong tay hàng loạt thương hiệu, như: nước tương Chinsu, Vinacafé, nước tương Tam Thái Tử, mì ăn liền Omachi... Theo nhiều thông tin, Singha sẽ tiếp quản 25% cổ phần của Công ty hàng tiêu dùng Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần trong Công ty đồ uống Masan Brewery.
Câu chuyện của Singha không phải là câu chuyện mới về việc Thái Lan rót hàng tỷ USD vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Trước đó, đầu năm 2015, thị trường từng xôn xao vì thông tin Tập đoàn Thái Lan Central Group bỏ 100 triệu USD để sở hữu 49% vốn điều lệ của Công ty cổ phần thương mại điện máy Nguyễn Kim với tham vọng đến năm 2019, Central Group thành lập 50 siêu thị điện máy Nguyễn Kim, gấp đôi số cửa hàng hiện tại. Trước đó nữa, Central Group đã thiết lập chuỗi bán lẻ cao cấp Robins tại Việt Nam. Ngoài ra, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) cũng quyết định mua Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 879 triệu USD. BJC cũng không phải là tên tuổi mới vì đã từng mua chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart (hiện nay là B’s mart), đồng thời mua 65% cổ phần tại Phú Thái. Theo Tờ VnEconomy, người đứng đầu của BJC còn đóng vai trò lớn trong cả ngành đồ uống, khi đồng thời sở hữu Tập đoàn ThaiBev - gián tiếp trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất tại Vinamilk.
Bên cạnh lĩnh vực đồ uống, hàng tiêu dùng, kinh doanh bán lẻ, vốn đầu tư của người Thái còn tập trung vào các lĩnh vực khác, như: nhựa, xi măng, bao bì, chăn nuôi, các sản phẩm từ nông nghiệp... và “hứa hẹn” sẽ là đối thủ nặng ký của hàng Việt Nam ngay trên chính sân nhà. Theo Tổng cục Thống kê, hàng Thái Lan đang dẫn đầu khối ASEAN trong việc xuất khẩu vào thị trường Việt Nam với các nhóm hàng đa dạng: đồ gia dụng, thức uống, quần áo, mỹ phẩm, bánh kẹo, thực phẩm chế biến... Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, hàng Thái Lan đã xuất hiện và ngày càng được ưa chuộng ở các chợ truyền thống trên cả nước. Hàng Thái được lựa chọn bởi các ưu điểm: đẹp, chất lượng, giá phải chăng... Trong khi người tiêu dùng e ngại với hàng Trung Quốc, hàng Việt chưa thực sự đủ mạnh và phủ rộng, thì hàng Thái đang là lựa chọn của người tiêu dùng. Ngay cả với một quốc gia chủ yếu về nông nghiệp như Việt Nam thì tại các sạp hàng trái cây, trái cây Thái Lan cũng đang được ưa chuộng với nhiều cải tiến về mẫu mã, hương vị.
Vừa tràn sang thị trường bán lẻ thông qua các công ty nhập khẩu hàng hóa Việt Nam hoặc thông qua các hệ thống bán lẻ mà người Thái có cổ phần, hàng hóa Thái Lan đang tận dụng rất tốt các ưu đãi về thuế quan từ các thỏa thuận thương mại trong khối ASEAN, và sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm của hàng Việt Nam trên chính sân nhà. Cách làm bài bản của người Thái, từ việc đầu tư hạ tầng bán lẻ đến việc chiếm lĩnh từng sạp chợ, thực sự là điều đáng học hỏi của doanh nghiệp Việt Nam.
Vi Lâm