Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), khái niệm hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) đã được biết đến rộng rãi. Song cho đến nay, sau hơn 10 năm là thành viên WTO, đây vẫn được đánh giá là điểm yếu của Việt Nam.
Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), khái niệm hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) đã được biết đến rộng rãi. Song cho đến nay, sau hơn 10 năm là thành viên WTO, đây vẫn được đánh giá là điểm yếu của Việt Nam. TBT là bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một quốc gia áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc quy trình nhằm đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, kỹ thuật đó. Vì vậy, mỗi nước thành viên WTO đều phải thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hóa của mình và hàng hóa nhập khẩu.
Khái niệm này còn được nhắc đến mạnh mẽ hơn vài năm gần đây khi Việt Nam ngày càng dấn sâu vào hội nhập. Năm 2015 là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Việt Nam trong hội nhập kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng đi kèm với những hồ hởi của doanh nghiệp trong việc hàng rào thuế quan của nhiều mặt hàng xuất khẩu sẽ được dỡ bỏ, vẫn có món “quà tặng kèm” mà không doanh nghiệp xuất khẩu nào mong muốn: những điều kiện, hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ... của nước nhập khẩu hàng.
Với nhiều lý do, như: bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường… các hàng rão kỹ thuật được nhiều nước dựng lên rất khắt khe. Song ai cũng hiểu, rất nhiều hàng rào là nhằm cản trở hàng nhập khẩu, bảo hộ cho sản xuất nội địa. Vì thế, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, về xuất xứ, nhãn mác bao bì, môi trường... xuất hiện ngày càng nhiều và khó khăn hơn, thậm chí một số quy định còn chi tiết đến vô lý. Tất cả những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn đều phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn, đòi hỏi từ bao bì đến xuất xứ nguyên liệu, dư lượng kháng sinh, thậm chí các tiêu chuẩn tưởng như không liên quan gì đến sản phẩm, như: trách nhiệm xã hội, minh bạch tài chính… Rất nhiều lô hàng đã bị từ chối nhập khẩu, thiệt hại cho doanh nghiệp hàng chục triệu USD. Chưa kể, các vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ và một số nước khác cũng diễn ra như cơm bữa. Mỹ từng áp thuế cao chống bán phá giá lên một số mặt hàng bị kiện, như: cá tra, basa, tôm, ống thép, đinh thép... của Việt Nam.
Trong khi đó, thị trường trong nước vẫn đang ở thế “hỗn loạn” khi gần như chưa có hàng rào kỹ thuật nào đủ mạnh để bảo vệ người tiêu dùng trước những tác hại của hàng hóa nhập khẩu thiếu chuẩn, nói gì đến bảo vệ sản xuất trong nước “đỡ đần” doanh nghiệp Việt. Về lợi ích, trước mắt một thị trường dễ dãi cũng có những mặt lợi riêng, song so về tổng thể lâu dài thì tác hại rất lớn. Hàng rào kỹ thuật của Việt Nam cũng có từ khá lâu với hàng ngàn các tiêu chuẩn của Việt Nam (TCVN) được các bộ, ngành ban hành, song về thực tế, hàng ngoại kém chất lượng, độc hại, hàng phế phẩm gây hại môi trường và sức khỏe... vẫn nhập về hàng ngày, hàng giờ và len lỏi vào cuộc sống người dân mà chưa một hàng rào nào ngăn cản nổi.
Cạnh tranh công bằng ở tâm thế hội nhập chính là việc đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của nhau khi đưa hàng hóa vào “sân người ta”, thì tại “sân nhà mình” cũng cần có hàng rào đủ mạnh để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.
Vi Lâm