Tháng 9-2015, Tổng cục Thống kê công bố những số liệu đáng báo động về năng suất lao động Việt Nam. Trong đó, đáng nói nhất là so sánh 1 người Singapore có năng suất lao động bằng 18 người Việt Nam cộng lại.
Tháng 9-2015, Tổng cục Thống kê công bố những số liệu đáng báo động về năng suất lao động Việt Nam. Trong đó, đáng nói nhất là so sánh 1 người Singapore có năng suất lao động bằng 18 người Việt Nam cộng lại. Năng suất lao động Việt Nam hiện chỉ bằng 1/6 của Malaysia và bằng 1/3 của Thái Lan và chỉ cao hơn so với Lào, Campuchia và Myanmar. Dự báo của Tổng Cục Thống kê cũng cho thấy với thực trạng hiện tại, có thể mãi đến năm 2038, Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của người Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan.
Có rất nhiều lý giải xoay quanh những thông tin này, bênh vực hoặc chỉ trích. Tuy nhiên, có lẽ điều cần đặt ra là Việt Nam sẽ phải làm gì để cải thiện năng suất lao động trong thời kỳ hội nhập sâu sắp tới? Thực tế phải thừa nhận là rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chọn Việt Nam để đầu tư dự án là vì giá lao động rẻ và Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “dân số vàng” với lực lượng lao động rất lớn. Họ trả lương rẻ cho năng suất lao động thấp, đó là quy luật. Và khi tăng lương, dĩ nhiên doanh nghiệp đòi hỏi năng suất lao động phải tăng tương ứng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, những sự tranh đấu về tiền lương cho công nhân diễn ra rất nhiều và hầu hết năm nào doanh nghiệp cũng điều chỉnh lương, ít nhất là 10% so với mức lương cũ. Tuy nhiên, năng suất lao động của người lao động có tăng tương ứng hay không là điều chưa được bàn đến. Tổng giám đốc một doanh nghiệp may mặc lớn tại Đồng Nai từng chia sẻ, ông và rất nhiều doanh nghiệp không ngại chuyện tăng lương hoặc đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của người lao động. Song, cái mà doanh nghiệp cần là năng suất làm việc phải tăng theo tương ứng.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi chỉ lương tăng mà năng suất không tăng? Nhiếu ý kiến chuyên gia nhận định, một khi nguồn nhân lực dồi dào như hiện nay dần cạn kiệt và mức lương của nhân công dần tăng lên, chắc chắn các doanh nghiệp FDI sẽ rời Việt Nam để đến những nơi lương lao động rẻ hơn, như: Bangladesh, Campuchia, Lào, Myanmar. Hoặc họ tận dụng ngay lao động của Malaysia, Singapore... - những nước nằm trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Vì khi đó, lao động giữa AEC có quyền di chuyển nội khối một cách bình thường. Và như thế, rõ ràng lao động Việt Nam mất cơ hội, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng kèm theo những bất ổn về xã hội. Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%. Mỗi năm tăng một ít, trong khi chưa tìm ra giải pháp nào chính yếu để tăng năng suất lao động nên nguy cơ trong tương lai dành cho lực lượng lao động Việt Nam là khá lớn.
Malaysia đã mất 1,5 năm để có đề án tái cấu trúc hệ thống giáo dục nhằm nâng cao đội ngũ lao động có trình độ và kỹ năng cao, giúp duy trì khả năng cạnh tranh trong giai đoạn tới. Hiện năng suất lao động của Malaysia cao hơn Việt Nam khoảng 6,6 lần. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang loay hoay trong các đề án cải cách giáo dục, cải cách việc làm... và chưa biết đến khi nào mới tìm ra một phương án khả thi.
Kim Ngân