Gần đây, cùng với việc Tập đoàn Vingroup tuyên bố tham gia sâu vào thị trường bán lẻ thông qua chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích, Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cũng khẳng định sẽ tham gia vào lĩnh vực hàng bách hóa tiện ích với các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, như: bột giặt, dầu ăn, thịt, rau, thực phẩm...
Gần đây, cùng với việc Tập đoàn Vingroup tuyên bố tham gia sâu vào thị trường bán lẻ thông qua chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích, Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cũng khẳng định sẽ tham gia vào lĩnh vực hàng bách hóa tiện ích với các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, như: bột giặt, dầu ăn, thịt, rau, thực phẩm... Công ty cổ phần Thế Giới Di Động không ngại ngần khẳng định mục tiêu đến năm 2020 doanh nghiệp sẽ có hàng ngàn cửa hàng trên cả nước. Việc một tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ hàng công nghệ đột nhiên lấn sân vào lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng cho thấy sức hút mạnh mẽ từ thị trường này.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup đã khai trương rầm rộ các trung tâm mua sắm tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai. Đi kèm với đó là chuỗi siêu thị Vinmart và các cửa hàng tạp hóa tiện ích rải rác trong đô thị. Cùng với việc mua lại cổ phần chi phối của Maximart, sắp tới các siêu thị Maximart có thể sẽ đổi thành Vinmart, không loại trừ cả công trình Maximart khá lớn đang xây dựng trên đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa.
Nếu để ý, ngay cả chuỗi cửa hàng điện máy Nguyễn Kim cũng đã “mon men” bán hàng tạp hóa từ cả năm trước với nhiều mặt hàng tiêu dùng, tuy chưa phong phú như nhiều cửa hàng tiện ích khác, song cũng cho thấy sự thăm dò đáng ghi nhận.
Với mô hình bán lẻ hiện đại, các cửa hàng tiện ích, như: FamilyMart, B’s mart, Circle K, Shop & Go, Mini Stop... (phổ biến tại các đô thị lớn của Việt Nam như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội) được cho là sẽ dần thay thế các cửa hàng tạp hóa truyền thống phân bố trong các khu dân cư tại đô thị một ngày không xa nếu ngày càng nhiều doanh nghiệp để tâm đến thị trường này. Ngoài ra, chuỗi siêu thị mini (là các cửa hàng thực phẩm tiện lợi, như: SatraFoods, Co.opFood, C Express, New Chợ...) cùng các đại siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tràn vào, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ ngày một sôi động, và cùng với đó bán lẻ truyền thống có thể thoái trào.
Với sự tham gia của Thế Giới Di Động, lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng chắc hẳn sẽ “nóng” lên vì thị trường này đang có sự tham gia của các đơn vị truyền thống, như: Co.op Mart, Satra, Vissan; hay các doanh nghiệp vốn nước ngoài, như: BigC, Lotte Mart, Aeon, Metro, Vingroup...
Trong so sánh, các cửa hàng tiện ích hay siêu thị mini đang chiếm nhiều lợi thế: nguồn hàng, vốn liếng, uy tín, marketing, thương hiệu... hơn hẳn những cửa hàng tạp hóa truyền thống lâu nay. Câu hỏi là liệu một ngày nào đó, người ta có chứng kiến sự chết dần chết mòn của những cửa hàng tạp hóa quen thuộc gần nhà? Chưa thể có câu trả lời, vì thực tế mạng lưới cửa hàng bán lẻ hiện đại cũng chưa phủ sóng sâu và xa đến mức đủ khả năng “giết” chết cửa hàng tạp hóa truyền thống, cũng có thể với thế mạnh của mình (chi phí ít, linh động, văn hóa giao tiếp quen thuộc...), các cửa hàng tạp hóa truyền thống sẽ tồn tại được. Tất cả đang vẽ nên một bức tranh khá thú vị về bán lẻ tại Việt Nam, không phải dạng bán lẻ đình đám ở trung tâm thành phố, trong các đại siêu thị triệu đô nữa, mà cuộc chiến cạnh tranh sẽ diễn ra ngay trong gian tạp hóa bình thường ở những khu phố nhỏ.
Vi Lâm