Những năm trước vào mùa mưa, ngập lụt chủ yếu xảy ra ở TP.Biên Hòa và nơi ngập sâu nhất cũng chưa đến 1m. Thế nhưng mùa mưa năm nay, mưa lớn không chỉ xảy ra ngập lụt nặng ở TP.Biên Hòa mà còn xảy ra ở huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu.
Những năm trước vào mùa mưa, ngập lụt chủ yếu xảy ra ở TP.Biên Hòa và nơi ngập sâu nhất cũng chưa đến 1m. Thế nhưng mùa mưa năm nay, mưa lớn không chỉ xảy ra ngập lụt nặng ở TP.Biên Hòa mà còn xảy ra ở huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Ngập lụt sâu đến mức ngoài sức tưởng tượng của người dân nên chẳng ai biết cách phải phòng chống ra sao để giảm thiệt hại. Tại TP.Biên Hòa, nơi ngập sâu gần 2m và sau hơn 10 tiếng liền nước mới rút hết. Ngập lụt làm giao thông tê liệt trong nhiều giờ, đời sống của người dân vùng ngập lụt bị đảo lộn, tài sản hư hỏng... Không ít hộ đã trắng tay chỉ sau một lần ngập lụt. Tại TP.Biên Hòa sau khi ngập lụt các ngành chức năng và chính quyền địa phương nhanh chóng tìm nguyên nhân và đưa ra các giải pháp chống ngập giúp người dân các vùng ngập có thêm hy vọng trong tương lai sẽ hết ngập.
Nhưng những vùng ngập khác thuộc các huyện, như: xã Bắc Sơn, Sông Trầu, Cây Gáo (huyện Trảng Bom), Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu)... mưa tại những khu vực này không lớn những nước lại đổ về ngập sâu từ 1- 2m chỉ trong vài giờ khiến người dân trở tay không kịp. Nhiều hộ gia đình đang có kinh tế khá vững, chỉ trong phút chốc trở thành trắng tay và nợ nần vì nước về ngập trắng những ao cá sắp đến thời điểm thu hoạch nước cuốn trôi hết. Và trận lụt vào giữa tháng 9-2015 được xem là trận lụt lịch sử.
Theo ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong gần 40 năm qua, chưa khi nào khu vực Trảng Bom xảy ra trận lụt lớn như vậy. Điều đáng nói ngập lụt không phải do mưa lớn ngay tại khu vực đó mà do mưa lớn từ nơi khác đổ về gây ngập nên hầu hết người dân không có sự chuẩn bị và lường trước. Dù trận lụt đã qua đi hơn 1 tháng nhưng người dân ở những vùng ngập nặng của Trảng Bom, Vĩnh Cửu vẫn chưa hết bàng hoàng. Rất nhiều người dân đặt câu hỏi nguyên nhân ngập lụt từ đâu? Làm sao biết trước để phòng tránh? Huyện, tỉnh đã có giải pháp nào để ngăn không cho xảy ra tình trạng ngập như vừa qua? Những câu hỏi của người dân mới được trả lời là do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, sông, suối nhiều năm bị bồi lắng thoát không kịp gây ngập. Còn nguyên nhân mưa nhiều là do biến đổi khí hậu, giải pháp ngăn ngập cho những đợt mưa lớn sau chưa có.
Các câu trả lời trên chỉ đem lại lo lắng thêm cho hàng ngàn hộ dân mới trải qua đợt ngập lụt lịch sử trong giữa tháng 9-2015. Bởi điều người dân cần là dự báo trước để có sự chuẩn bị giảm bớt thiệt hại, đồng thời phải có giải pháp phòng chống ngập lụt hiệu quả cho những trận mưa lớn sau và những mùa mưa kế tiếp. Trận ngập đã qua đi hơn 1 tháng, nhưng hàng ngàn hộ dân tại huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu vẫn thấp thỏm lo âu, chưa dám đầu tư nuôi thủy sản trở lại vì mùa mưa chưa kết thúc, biết đâu sẽ còn trận ngập lụt tiếp theo. Do đó, các hộ dân ở những vùng ngập lụt trên mong mỏi huyện, tỉnh dự báo kịp thời, sớm công bố giải pháp chống ngập để họ có thể an tâm chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục lại kinh tế.
Hương Giang