Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu sòng phẳng

09:09, 21/09/2015

Nông dân Pháp chặn các ngả đường từ Tây Ban Nha và Đức để ngăn dòng sữa giá rẻ tràn vào Pháp như từ trước đến nay, khiến họ lao đao vì cạnh tranh không nổi.

Nông dân Pháp chặn các ngả đường từ Tây Ban Nha và Đức để ngăn dòng sữa giá rẻ tràn vào Pháp như từ trước đến nay, khiến họ lao đao vì cạnh tranh không nổi. Nông dân Anh dắt bò đến cả siêu thị để biểu tình đòi tăng giá thu mua sữa, nông dân Bỉ còn quá khích hơn khi mua sữa trong siêu thị rồi đổ hết ra đường để biểu lộ thái độ phản đối, thậm chí còn phun sữa vào mặt cảnh sát. Khắp châu Âu, hàng trăm cuộc biểu tình dưới mọi hình thức đã diễn ra vì nông dân gặp quá nhiều khó khăn do giá sữa xuống quá thấp.

Theo báo điện tử Vneconomy, giá thu mua 1 lít sữa tươi nguyên liệu tại Anh chỉ còn 8 ngàn VNĐ/lít, có nơi chỉ bán được giá 5-6 ngàn VNĐ/lít, trong khi giá thành sản xuất là 11 ngàn VNĐ. Từ đầu năm 2015 đến nay, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu tại các trang trại ở Anh và nhiều nước châu Âu khác đã giảm khoảng 25% và đẩy nông dân vào thế bế tắc.

Nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng giá sữa diễn ra vẫn là do nguồn cung dư thừa do sản xuất quá nhanh, năng suất cao, nhu cầu sữa từ Trung Quốc, Bắc Phi, Trung Đông giảm mạnh.

Trong khi đó, giá sữa trong nước không giảm. Báo Diễn đàn doanh nghiệp dẫn lời một quan chức đại điện Bộ Tài chính lý giải rằng, việc giá sữa trong nước chưa giảm dù giá sữa nguyên liệu thế giới đã giảm mạnh là bởi trong có cấu giá thành sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sản xuất trong nước. Ngoài giá nguyên liệu sữa, mặt hàng sữa thành phẩm còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố, như: lương tối thiểu; tỷ giá; chi phí quảng cáo, khuyến mại và giá điện năng...

Tuy nhiên, những dẫn giải này có vẻ như khá mâu thuẫn với chính lý giải của doanh nghiệp sữa khi tăng giá. Những lần tăng giá, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh mặt hàng này bao giờ cũng viện lý do giá sữa tăng do nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu 100%, giá sữa nguyên liệu thế giới cao (hoặc tăng) nên họ không thể giảm giá được?! Câu chuyện giá sữa dường như vẫn “tít mù, vòng quanh” với đủ thứ lý do biện giải cho việc không giảm giá. Nhà điều hành ban bố nhiều chính sách quản lý giá sữa hòng siết doanh nghiệp, nhưng đến giờ hiệu quả vẫn rất hạn chế. Cứ như có một cuộc chơi không cân sức giữa những tập đoàn kinh doanh sữa đa quốc gia đầy lão luyện và một bộ máy điều hành còn chưa quen việc. Thái độ cần phê phán ở đây là sự thiếu sòng phẳng với người tiêu dùng của doanh nghiệp sữa: khi giá nguyên liệu tăng, họ đòi hỏi người tiêu dùng chia sẻ, khi giá hạ, viện đủ lý do từ giá điện, tỷ giá, chi phí bán hàng, khuyến mãi… Cũng có thể lý giải theo cách “doanh nghiệp được làm tất cả những gì quy định pháp luật không cấm. Nếu không quản lý được giá, đó là trách nhiệm của nhà điều hành”. Tuy nhiên, thật khó mà “lờ” đi việc sữa cùng một số mặt hàng thiết yếu khác, nên được nhìn nhận dưới góc độ khác, vì không chỉ là hàng thiết yếu, mà còn là hàng thiết yếu cho trẻ em. Dẫu kinh doanh bắt buộc phải có lợi nhuận, nhưng luôn tìm cớ tăng giá, né tránh hạ giá… dẫn đến giá sữa Việt Nam luôn cao gần nhất thế giới, trong khi thu nhập đầu người vẫn thấp, thì sự thiếu sòng phẳng đó thật đáng buồn.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều