Diễn đàn Quốc hội những ngày này đang "nóng" lên bởi nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, trong đó an toàn vệ sinh thực phẩm một lần nữa lại được gióng lên bởi câu chuyện nhập khẩu khoảng 65 tấn Salbutamol - loại chất tạo nạc cho heo rất nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Diễn đàn Quốc hội những ngày này đang “nóng” lên bởi nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, trong đó an toàn vệ sinh thực phẩm một lần nữa lại được gióng lên bởi câu chuyện nhập khẩu khoảng 65 tấn Salbutamol - loại chất tạo nạc cho heo rất nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Trấn an nghi ngại của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay Cloramphelicon hoặc Salbutamol là những dược phẩm cần thiết nhập khẩu để điều trị cho người. Quy trình về quản lý các dược phẩm này khá chặt chẽ từ nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, kinh doanh phân phối và sử dụng... đều phải qua đơn. Trong quá trình sử dụng, các nhà nhập khẩu đều phải báo cáo các hóa đơn xuất nhập khẩu và các hợp đồng. Bộ trưởng Y tế cũng phủ nhận thông tin thời gian vừa qua ngành y tế cho nhập khẩu khoảng 65 tấn Salbutamol, mà con số thật sự chỉ là 3,5 tấn.
Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra là: tại sao quy trình nhập khẩu các dược chất này chặt chẽ như thế nhưng vẫn phát hiện không ít những cơ sở chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc? Và người tiêu dùng phải phòng tránh ra sao khi những căn bệnh nguy hiểm chực chờ vì ăn phải thực phẩm nhiễm độc cao?
Trước đó, cũng tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết kết quả giám sát trong 9 tháng năm 2015 cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm còn cao, chưa cải thiện so với năm 2014. Về thủy sản có 1,01% mẫu có hóa chất và kháng sinh vượt ngưỡng; rau có 10,3% có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng; thịt có 7,6% có hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng thừa nhận, dù hàng năm đều phát động Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng hiệu quả chưa cao; vi phạm trên lĩnh vực này vẫn còn nhiều, nhất là việc mua bán, sử dụng chất cấm chưa kiểm soát được một cách chặt chẽ. Vì thế, thời gian tới Bộ sẽ tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan để chấn chỉnh, kiểm soát tốt hơn vấn đề này.
Rõ ràng, “cuộc chiến” với chất cấm, thực phẩm bẩn sẽ không thể hiệu quả và ngăn được từ gốc nếu như công tác quản lý bị buông lỏng và việc thanh, kiểm tra chỉ “làm cho có”. Người dân đã không khỏi giật mình khi hàng loạt vụ heo bẩn, gà thối... được phát hiện. Ngay cả những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn cũng phạm những lỗi rất cơ bản về an toàn vệ sinh thực phẩm... Tuy nhiên, đây chỉ là những vụ việc được phát hiện, được công bố, còn thực tế những sai phạm tương tự rất khó được kiểm soát một cách chặt chẽ.
Người tiêu dùng luôn được khuyên hãy thông minh khi lựa chọn thực phẩm, nhưng thật khó để “thông minh” với kiểu làm ăn chụp giựt, coi thường tính mạng, sức khỏe của con người. Nói như một đại biểu Quốc hội thì “vì sức khỏe cộng đồng, đừng dùng thuốc diệt chuột, diệt cỏ để tẩm ướp vào rau quả đem ra thị trường. Yêu quê hương đất nước thì đừng biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt”.
Minh Ngọc