Tuần qua, sự kiện đáng chú ý nhất trên lĩnh vực kinh tế có lẽ là việc Bộ Công thương chính thức công bố toàn văn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 5-11 vừa qua, kể từ khi hiệp định này đạt thỏa thuận chính thức vào hôm 5-10.
Tuần qua, sự kiện đáng chú ý nhất trên lĩnh vực kinh tế có lẽ là việc Bộ Công thương chính thức công bố toàn văn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 5-11 vừa qua, kể từ khi hiệp định này đạt thỏa thuận chính thức vào hôm 5-10.
Thông tin quan trọng là Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi TPP có hiệu lực với nhiều mặt hàng quan trọng, như: thức ăn gia súc, ngũ cốc, gạo, một số sản phẩm sữa, động vật sống, sản phẩm da, cao su, da giày, thuốc trừ sâu, dược phẩm, hóa chất… Tức là trên 65% dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi TPP có hiệu lực và 98% dòng thuế sẽ được dỡ bỏ hết sau 10 năm.
Cụ thể, liên quan đến thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính cho biết Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước TPP, trong đó trên 65% dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực và gần 98% dòng thuế sau 10 năm; các mặt hàng còn lại có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ).
Những mặt hàng Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực, bao gồm: động vật sống, thức ăn gia súc, một số sản phẩm sữa, ngũ cốc, gạo, da và sản phẩm da, cao su và sản phẩm cao su, chất dẻo, dược phẩm, thuốc trừ sâu, hóa chất, khoáng sản, một số loại giấy, nguyên liệu dệt may, da giày, vải bông các loại, sản phẩm dệt may, phân bón, nước hoa, mỹ phẩm…
Ngược lại, theo Bộ Tài chính, 12 nước trong khối TPP sẽ xóa bỏ 78-95% dòng thuế nhập khẩu ngay khi TPP chính thức có hiệu lực.
Câu hỏi là, trong so sánh tương quan giữa những mặt hàng mà Việt Nam phải gỡ bỏ thuế, và những mặt hàng mà các nước TPP tháo dỡ thuế cho Việt Nam thì lợi và hại nằm ở đâu, xét trên khía cạnh kinh tế Việt Nam? Phân tích của Bộ Công thương cho rằng, phần lớn các mặt hàng Việt Nam dỡ bỏ thuế từ khối TPP không phải là những dòng hàng hay phân khúc cạnh tranh khốc liệt với hàng trong nước. Song nhìn vào danh mục có thể thấy, không chỉ các sản phẩm của ngành chăn nuôi hay nông nghiệp mệt mỏi, mà các mặt hàng tiêu dùng khác cũng chịu cạnh tranh không kém, chẳng hạn năm thứ 4 sẽ phải dỡ thuế cho các sản phẩm bánh kẹo, chè và cà phê, ngô ngọt, đồng hồ, hàng gia dụng, máy khâu, máy phát điện, đồ trang sức, vật liệu xây dựng, sữa, máy móc thiết bị, nhựa và sản phẩm nhựa, sản phẩm điện tử… Năm thứ 6 sẽ bỏ thuế cho dầu thực vật, chế phẩm rau quả, một số sản phẩm cao su, và năm thứ 8 gồm bộ phận linh kiện xe đạp, xe máy, một số linh kiện ô tô, bánh kẹo, chế phẩm thủy sản, dầu mỡ động thực vật, rau quả, sắt thép, xe đạp nguyên chiếc, một số loại xe chuyên dụng... Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 10-11, gồm: thịt các loại, bia rượu, đường, trứng, muối, xăng dầu, ô tô, sắt thép… (nguồn: Bộ Công thương).
Như vậy, nhìn chung doanh nghiệp không còn nhiều thời gian để tự hoàn thiện mình nhằm giữ thị trường ngay trên sân nhà. Dù có lý giải rằng các quốc gia TPP chủ yếu sản xuất hàng chất lượng, giá cao nên không cạnh tranh trực tiếp về phân khúc thị trường với doanh nghiệp Việt do người tiêu dùng trong nước vẫn dùng hàng giá rẻ, bình dân là chủ yếu. Song điều này rất khó nói, vì khi thuế giảm, giá hàng nhập giảm, người mua sẽ dễ dàng chọn hàng ngoại. Chưa kể vào thời điểm xóa thuế, thu nhập của người Việt cũng đã tăng đáng kể.
Điều gì chờ đợi phía trước khi TPP chính thức (dự kiến 2016) vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhưng một điều rất rõ là thời gian để đổi mới cho hàng Việt dù ở mặt trận trong nước hay ngoài nước, thực sự không còn nhiều nữa.
Vi Lâm