Cuối tuần qua, chủ trì hội nghị đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp (DN), Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tỏ vẻ nóng ruột khi thấy nhiều địa phương và các bộ, ngành còn ì ạch việc cổ phần hóa các DN và thoái vốn ngoài ngành.
Cuối tuần qua, chủ trì hội nghị đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp (DN), Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tỏ vẻ nóng ruột khi thấy nhiều địa phương và các bộ, ngành còn ì ạch việc cổ phần hóa các DN và thoái vốn ngoài ngành. Đồng Nai đã bám khá sát tiến độ cổ phần hóa DN, theo kế hoạch trong năm nay việc cổ phần hóa của tỉnh cố gắng xong đảm bảo tiến độ đề ra.
Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, từ năm 2011 đến đầu tháng 11 năm nay, cả nước sắp xếp được 471 DN, trong đó cổ phần hóa được 408 và sắp xếp theo các hình thức khác 63 DN. Riêng 2 năm 2014 và 2015 cả nước cổ phần hóa được 353 DN.
Trong 10 tháng qua, cả nước đã có 175 DN được sắp xếp, trong đó 159 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, 16 DN thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, nếu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được phê duyệt, dự kiến năm 2015 sẽ cổ phần hóa được khoảng 210 DN. Phó thủ tướng cho rằng, trong số 106 DN còn lại của kế hoạch thì hơn 50 đơn vị đã xác định giá trị, nếu đến cuối năm hoàn thành được số này tỷ lệ đạt kế hoạch sẽ nâng lên trên 90% là chấp nhận được.
Các đơn vị triển khai sắp xếp còn chậm được Ban Chỉ đạo “điểm danh” gồm các Bộ: Công thương, Tài nguyên - môi trường, Thông tin - truyền thông; các địa phương, gồm: Nam Định, Tiền Giang, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai. Về công tác thoái vốn Nhà nước được đánh giá bước đầu đã đạt yêu cầu. Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ đã thảo luận và Thủ tướng cũng có ý kiến thoái vốn phải có lộ trình, rút lui có trật tự không để thất thoát nguồn vốn của Nhà nước. Những đơn vị nào, khoản vốn nào đầu tư ngoài ngành càng để càng lỗ không thể xử lý được, phải bán càng nhanh càng tốt. Phó thủ tướng cũng yêu cầu trong khi thị trường chưa phục hồi trở lại, với những DN làm ăn hiệu quả, còn có cơ hội thì cần xây dựng lộ trình và không nhất thiết phải thoái bằng bất cứ giá nào. Trong 10 tháng của năm 2015, cả nước thoái được trên 9.152 tỷ đồng vốn Nhà nước, thu về trên 13.760 tỷ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Lũy kế từ năm 2012 đến đầu tháng 11-2015, cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng.
Đối với công tác cổ phần hóa DN của Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc cho biết hiện tỉnh đang theo sát kết hoạch, trong năm nay tỉnh cổ phần hóa 4 DN, hiện đã hoàn thành được 2 DN, 1 DN đang chờ Thủ tướng phê duyệt phương án và 1 DN đang chờ ý kiến hướng dẫn, dự kiến hoàn tất trong năm nay. Về thoái vốn Nhà nước, tỉnh đã thực hiện thoái vốn ngoài ngành của 4 DN đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với giá trị hơn 226 tỷ đồng và có kế hoạch thoái vốn tại 14 DN khác với giá trị sổ sách 168 tỷ đồng…
Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định Ngân hàng thương mại Nhà nước mua lại phần vốn của 4 DN thuộc diện thoái vốn theo quy định; Thủ tướng Chính phủ sớm có văn bản phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) mà tỉnh đã trình Chính phủ. Ngoài ra, Ban đổi mới DN Trung ương cần sớm cho ý kiến về phương án cổ phần hóa Tổng công ty Tín Nghĩa có phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hay không để tỉnh thực hiện. Đây là DN nằm trong lịch trình cổ phần hóa trong năm nay.
Vân Nam