Đặt ra kế hoạch thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ 900 triệu USD cho năm 2015, nhưng đến giữa tháng 10, tổng số vốn đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN Đồng Nai (DIZA) đã lên đến 2,15 tỷ USD.
Đặt ra kế hoạch thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ 900 triệu USD cho năm 2015, nhưng đến giữa tháng 10, tổng số vốn đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN Đồng Nai (DIZA) đã lên đến 2,15 tỷ USD. Nửa đầu tháng 10, các KCN của tỉnh đã thu hút thêm hơn 350 triệu USD vốn FDI mới, gồm 11 dự án mới được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 225 triệu USD, và 5 dự án điều chỉnh tăng vốn có số vốn tăng thêm hơn 126 triệu USD.
Như vậy tính từ đầu năm 2015 đến nay, 31 KCN trong tỉnh đã đón 82 dự án FDI mới được cấp phép với số vốn đăng ký hơn 1,5 tỷ USD và 75 lượt doanh nghiệp FDI tăng thêm vốn đầu tư với số vốn hơn 592 triệu USD. Con số 10 tháng của 2015 cũng đã vượt mốc 1,83 tỷ USD vốn FDI của cả năm 2014. Tuy vẫn xác định rõ nguồn vốn FDI đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế, song những năm gần đây, tỉnh Đồng Nai đã từ chối không ít dự án vì có công nghệ lạc hậu, nhiều chất thải, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Ban đầu, nhiều người e ngại điều này sẽ làm sụt giảm lượng vốn FDI vào Đồng Nai do các điều kiện ràng buộc khó khăn hơn. Đặc biệt sau sự kiện giữa năm 2014, UBND tỉnh ban hành quyết định về danh mục dự án thuộc ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các ngành nghề tạm dừng thu hút đầu tư, gồm: sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô, chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su chưa sơ chế, sản xuất hóa chất cơ bản, thuộc da, sơ chế da.
Tuy nhiên, đến lúc này có vẻ như mọi thứ đang đúng hướng và thuận lợi, những lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích đầu tư đang rất được nhà đầu tư chú ý. Đáng mừng nhất là vốn FDI hầu hết “chảy” vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo… Thậm chí một số lĩnh vực lâu nay rất kén nhà đầu tư như: công nghệ cao, nông nghiệp cũng đã thu hút nhiều sự quan tâm. Tương tự, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhiều năm liền tỉnh ra sức thu hút nhưng hiệu quả không lớn, lại trở thành lĩnh vực “ngôi sao” trong năm qua với rất nhiều dự án lớn. Mới đây nhất vào hạ tuần tháng 9, Tập đoàn Kenda (Đài Loan) đã nhận giấy chứng nhận đầu tư cho dự án 160 triệu USD của mình tại KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom). Nhà máy có diện tích 42,2 hécta chuyên sản xuất vỏ, ruột xe ô tô, xe máy và xe đạp xuất khẩu, quy mô 7,5 triệu sản phẩm/năm. Trước đó vài tháng là dự án sản xuất sợi kỹ thuật cao của Tập đoàn Hyosung với tổng vốn đầu tư lên đến 660 triệu USD.
Hoạt động của nhiều doanh nghiệp FDI cũng khởi sắc hơn nhiều so với mấy năm trước. Theo DIZA, tổng doanh thu của các doanh nghiệp FDI từ đầu 2015 đến nay là hơn 13,9 tỷ USD, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 7,5 tỷ USD, tăng 6,47% và tiêu thụ nội địa đạt tương đương 6,44 tỷ USD, tăng 3,47%.
Kim Ngân