Tìm cách giảm nhập siêu nói chung luôn là một bài toán khó. Nhưng trong vài năm trở lại đây, giảm nhập siêu từ Trung Quốc cũng là một câu hỏi hóc búa không kém.
Tìm cách giảm nhập siêu nói chung luôn là một bài toán khó. Nhưng trong vài năm trở lại đây, giảm nhập siêu từ Trung Quốc cũng là một câu hỏi hóc búa không kém.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công thương, quý I-2013, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam chiếm hơn 25% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước và cao gấp 2,5 lần tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Trả lời trên báo Đại Đoàn Kết, ông Đào Ngọc Chương - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương) - nhận xét: “Trung Quốc hiện là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất”. Ông Chương cũng cho biết thêm, Việt Nam từng có thời kỳ xuất siêu sang Trung Quốc, từ năm 1991-2000. Song từ năm 2001 đến nay, Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc với giá trị tuyệt đối và tỷ lệ trên kim ngạch xuất khẩu luôn tăng.
Vậy, chúng ta nhập khẩu những gì? Cũng theo ông Chương, 90% nguyên phụ liệu sản xuất của Việt Nam đang nhập từ Trung Quốc do ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, không đủ đáp ứng các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu. Trong đó, 80% nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày nhập từ thị trường này về Việt Nam gia công, sản xuất, hoàn thiện rồi xuất khẩu đi Mỹ, EU, Nhật...
Tuy nhiên, ngoài những mặt hàng phục vụ sản xuất, chúng ta còn nhập khẩu hàng loạt mặt hàng tiêu dùng từ quốc gia này, như: thực phẩm, rau quả, quần áo, giày dép, xe máy, hàng điện tử… Không một ngóc ngách tiêu dùng nào của thị trường Việt Nam hiện nay lại vắng bóng hàng Trung Quốc. Đây là một nỗi buồn. Là bởi, một số lượng rất lớn hàng nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam là những mặt hàng phẩm cấp thấp mà trong nước thừa sức sản xuất. Tuy vậy, về giá, doanh nghiệp Việt chưa thể cạnh tranh.
Ngoài việc khuyến khích người tiêu dùng trong nước xài hàng nội, vẫn còn một cách để cân bằng cán cân thương mại với quốc gia láng giềng này là đẩy mạnh xuất khẩu. Mặc dù có tăng trưởng trong các năm qua, song phải thừa nhận cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc chưa đa dạng, như: nguyên liệu thô, nông sản, hàng chưa qua chế biến, hàng lắp ráp ở mức đơn giản... Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, để hạn chế hàng Trung Quốc chất lượng kém tràn vào, không có cách nào khả dĩ hơn là kiểm soát thật chặt chẽ chất lượng. Và nếu cần, dựng những hàng rào về kỹ thuật nghiêm ngặt đối với những mặt hàng trong nước có thể đáp ứng, nhất là liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm như cách mà một số quốc gia châu Âu, Mỹ, Nhật… vẫn làm để bảo vệ nền sản xuất trong nước trước nguy cơ hàng ngoại nhập tràn vào, mặc dù những quốc gia này vẫn tham gia những sân chơi mậu dịch tự do với luật chơi sòng phẳng.
Kim Ngân