Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyền bào chữa được quy định ra sao?

10:02, 10/02/2014

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014. Đây là Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 năm 2013.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014. Đây là Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 năm 2013.

Trong Hiến pháp năm 2013, quyền cơ bản của con người được tiếp tục khẳng định. Theo đó, quyền bào chữa - một quyền lợi đặc thù, quyền cơ bản của công dân, của những bị can, bị cáo là một nguyên tắc hiến định được tất cả các bản Hiến pháp Việt Nam ghi nhận Điều này chứng tỏ bản chất tốt đẹp và dân chủ của pháp luật Việt Nam, bởi lẽ tất cả những người bị bắt, bị tạm giữ, bị điều tra, truy tố và xét xử đều có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định quyền tự bào chữa tại Điều 67: “Người bị cáo được quyền tự bào chữa hoặc mượn luật sư”. Sau đó, những bản Hiến pháp tiếp theo đều quy định nội dung này. Cụ thể, tại Hiến pháp năm 1959 quy định tại Điều 101 như sau: “Quyền bào chữa của người bị cáo được bảo đảm”. Tiếp đến, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định quyền bào chữa được bảo đảm (Điều 133 - Hiến pháp 1980 và Điều 132 - Hiến pháp 1992). Kế thừa các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ hơn nhiều điều về quyền bào chữa, về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm và quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Tại Khoản 4, Điều 31 Hiến pháp 2013 đã quy định rất cụ thể: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Nguyên tắc này được khẳng định tại Điều 103 “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”; “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm”...

Như vậy, quyền lợi hợp pháp của công dân kể cả những người bị bắt, bị điều tra, bị truy tố, bị xét xử đều được pháp luật bảo vệ, được quy định trong các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến nay. Theo đó, quyền bào chữa, quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân đã trở thành nguyên tắc hiến định. Đặc biệt trong Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền này được rõ hơn, cụ thể hơn và được ghi nhận tại Điều 31 và Điều 103 với tất cả các nội dung đã minh chứng một cách khoa học và nhân văn về quyền con người và được mở rộng trong Hiến pháp - đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

LS. Nguyễn Đức

 

Tin xem nhiều