Báo Đồng Nai điện tử
En

Chế định thừa phát lại

09:01, 06/01/2014

Tôi được biết hiện nay ở một số địa phương trong nước có tổ chức chế định thừa phát lại. Tôi đang quan tâm tìm hiểu vấn đề này, đề nghị luật sư tư vấn cụ thể.

 Hỏi: Tôi được biết hiện nay ở một số địa phương trong nước có tổ chức chế định thừa phát lại. Tôi đang quan tâm tìm hiểu vấn đề này, đề nghị luật sư tư vấn cụ thể.

Trần Thị Lài (TP.Biên Hòa)

 

Trả lời: Trước tiên, xin hoan nghênh bạn đang tìm hiểu chế định thừa phát lại. Đây là một chế định mới nhằm giúp cho xã hội dân sự phát triển lành mạnh, đúng pháp luật.

Theo Nghị quyết số 49/NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” thì các cơ quan tham mưu tiếp tục hoàn thiện thủ tục tố tụng dân sự. Ngoài ra, phải nghiên cứu thực hiện và phát triển các dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Qua đó sẽ từng bước thực hiện xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho các tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án. Trên tinh thần Nghị quyết số 49/NQ/TW, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu mô hình thừa phát lại và tổ chức thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh. Tiếp đến, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14-11-2008 về việc thi hành án dân sự để triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự; giao Chính phủ quy định tổ chức thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại một số địa phương.

Theo quy định hiện nay, chế định thừa phát lại được thực hiện 4 nhóm công việc chính sau đây: thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành các bản án, quyết định thuộc diện thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Về tổ chức, thừa phát lại được hoạt động theo mô hình “Văn phòng thừa phát lại”. Đây là tổ chức hành nghề của các thừa phát lại. Đối với chức danh, thừa phát lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và cấp thẻ hành nghề. Người được bổ nhiệm thừa phát lại có các tiêu chuẩn sau đây:

- Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt.

- Không có tiền án.

- Có bằng cử nhân luật.

- Đã công tác trong ngành pháp luật trên 5 năm hoặc đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên, điều tra viên từ trung cấp trở lên.

- Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức.

- Không kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật. Hiện nay, việc bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm thừa phát lại thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Cần trao đổi cụ thể, bạn vui lòng gặp trực tiếp luật sư.

Chúc bạn may mắn.

LS. Nguyễn Đức

 

 

Tin xem nhiều