Báo Đồng Nai điện tử
En

Em bé bán diêm

10:12, 25/12/2015

Noel, đêm lạnh, người đời thường nhớ đến truyện Em bé bán diêm của Hans Christian Andersen. Truyện kể về một cô bé nghèo khổ phải đi bán diêm giữa mùa đông giá lạnh và từ giã cõi đời trong đêm Chúa giáng sinh.

Noel, đêm lạnh, người đời thường nhớ đến truyện Em bé bán diêm của Hans Christian Andersen. Truyện kể về một cô bé nghèo khổ phải đi bán diêm giữa mùa đông giá lạnh và từ giã cõi đời trong đêm Chúa giáng sinh. Em bé bán diêm sống trong gia đình nghèo khổ, khó khăn, sớm mồ côi mẹ, bà cũng mất sau đó, em ngày ngày phải đi bán diêm. Người cha nhẫn tâm hay đánh đập em mỗi khi em có lỗi hoặc bán diêm không đủ lãi. Vào một ngày cuối năm, em không bán được que diêm nào. Trước khi ra khỏi nhà em có mang một đôi giày quá  khổ. Em bị té, tuột giày. Một chiếc bị xe ngựa cán qua. Chiếc còn lại bị kẻ xấu quăng đi. Em không dám về nhà vì sợ cha đánh. Đêm giá rét, em ngồi nép vào một góc tường giữa hai ngôi nhà, người run lên vì lạnh.

Lạnh quá, em bé đánh liều quẹt que diêm để sưởi ấm. Mỗi lần quẹt que diêm cháy sáng là một mong tưởng đến với em. Lần thứ nhất, em thấy lò sưởi; lần thứ hai, em thấy bàn ăn và con ngỗng quay; lần thứ ba, em thấy cây thông noel hiện ra; lần thứ tư thấy bà hiện về. Nhưng tất cả các thứ đó điều biến mất khi que diêm tắt. Cuối cùng, hết diêm, em bé đã chết vì trời lạnh. Buổi sáng đầu năm, người ta thấy một em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao diêm đốt hết nhẵn. Người ta bảo em bé đã chết nhưng đôi má vẫn ửng hồng và đôi môi đang mỉm cười.

Truyện được xuất hiện lần đầu năm 1848. 168 năm rồi, nụ cười em bé bán diêm vẫn tươi trong trái tim nhân ái của con người, gợi biết bao điều suy nghĩ. Cô bé bán diêm đau khổ hay hạnh phúc? Cái chết giá lạnh là biểu hiện của khổ đau. Nụ cười mãn nguyện là biểu tượng của hạnh phúc. Đời nào cũng vậy, người nghèo khổ rất nhiều.

Nhưng không phải nghèo khổ nào cũng dẫn đến bất hạnh. Có nhiều hạnh phúc nở hoa trong cuộc đời cùng khổ nếu biết cách tự thắp sáng mình bằng những que diêm của chính mình. Ngược lại, biết bao kẻ giàu sang, thừa mứa nhưng chìm ngập trong phiền muộn, bất an, bởi lòng ham muốn lớn hơn tài sản hiện có.

Bởi vậy, trong thực tế, luôn có chuyện “người nghèo cũng cười” và “người giàu cũng khóc”. Cười hay khóc đều do bởi chính mình.

Trực Tử

Tin xem nhiều