Vở cải lương Tình sử hai vương triều do Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai vừa công diễn, đang dự thi nghệ thuật sân khấu cải lương toàn quốc tại Bạc Liêu được khán giả chú ý về chuyện tình hai tập giữa Trần Thị Dung - Trần Thủ Độ trong buổi đầu dựng cơ nghiệp nhà Trần.
Vở cải lương Tình sử hai vương triều do Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai vừa công diễn, đang dự thi nghệ thuật sân khấu cải lương toàn quốc tại Bạc Liêu được khán giả chú ý về chuyện tình hai tập giữa Trần Thị Dung - Trần Thủ Độ trong buổi đầu dựng cơ nghiệp nhà Trần. Ý kiến bình luận khác nhau. Nỗi niềm của các nhân vật lịch sử trong vở diễn được cảm nhận cũng khác nhau. Nhất là đối với cách nghĩ và việc làm của Trần Thủ Độ. Hẳn là có một điều gì đó phi thường, Trần Thủ Độ mới phê phán, rồi cuối cùng thuyết phục được tôn thất nhà Trần cùng vượt lên cảm xúc cá nhân tập trung vun đắp cho cơ nghiệp nhà Trần trước họa ngoại xâm - nội loạn.
Trần Thủ Độ là hiện tượng lịch sử, còn phải tốn nhiều giấy bút, quan trọng là góc nhìn và tầm nhìn của mỗi người. Dẫu góc nhìn nào, tầm nhìn nào cũng phải ghi nhận từ nhân vật này những bài học lịch sử từ ứng xử tưởng là chuyện nhỏ nhưng không nhỏ.
Trần Thủ Độ tự nhận mình ít học, không thể làm vua, nên đã không cướp ngôi vua, tạo dựng người khác phù hợp hơn. Ông làm quan nhiều uy quyền, được suy tôn là thượng phụ. Có kẻ vào gặp Thái Tông: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”. Vua Thái Tông đưa người gièm tấu đến dinh Thủ Độ, kể hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời rằng: “Người này nói đúng, do bởi có lòng lo cho vận nước”. Đã không bắt tội, Trần Thủ Độ lại đem tiền thưởng cho làm yên lòng người nói thẳng.
Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung có lần ngồi kiệu đi qua nơi bị cấm, quân hiệu ngăn lại. Quốc mẫu về báo lại với Trần Thủ Độ, đề nghị xử tội kẻ đã ngăn trở mình. Thủ Độ tức giận liền sai người đi bắt người quân hiệu kia. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc là phải chết. Đến nơi Thủ Độ vặn hỏi trước mặt Linh Từ, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực mà trả lời. Thủ Độ nói: “Ngươi ở chức thấp mà gia được luật pháp, ta còn trách gì được nữa”. Nói xong, đem vàng lụa thưởng cho.
Xem xong vở cải lương, đọc lại giai thoại về Trần Thủ Độ của Nguyễn Khắc Thuần, có ai xấu hổ vì đã nhìn người qua lỗ trôn kim?
Trực Tử