Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn ô nhiễm

10:11, 08/11/2015

Thời vua Nghiêu (Trung Quốc) có Hứa Do là người tài giỏi, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, am hiểu nhân tình thế thái, sống đạo đức, rất được người dân yêu quý, nhưng không thích làm quan, đua chen với đời nên sống ẩn dật ở đầm Thái Trạch.

Thời vua Nghiêu (Trung Quốc) có Hứa Do là người tài giỏi, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, am hiểu nhân tình thế thái, sống đạo đức, rất được người dân yêu quý, nhưng không thích làm quan, đua chen với đời nên sống ẩn dật ở đầm Thái Trạch. Vua Nghiêu nghe được, vời Hứa Do đến để truyền ngôi báu. Tương truyền, Hứa Do có lời từ chối rằng: “Ngài trị vì thiên hạ, thiên hạ đã thái bình rồi. Nếu tôi thay chỗ ngài, há chẳng phải là tôi háo danh sao? Danh chỉ là vẻ ngoài của điều chân thật, chẳng lẽ tôi vì vẻ ngoài sao? Chim ri làm tổ trong rừng sâu không cần nhiều hơn một cành cây, chuột chũi uống nước sông không cần đầy hơn một bụng, vậy tôi cần thiên hạ để làm gì?”. Hứa Do từ tạ mà về, đến bờ sông Dịch Thủy, nghĩ lại vẫn còn cảm thấy khó chịu, bèn xuống sông rửa lỗ tai. Sào Phủ, cũng là một ẩn sĩ, dắt trâu uống nước ở sông Dịch Thủy, thấy Hứa Do rửa tai, lấy làm lạ nên gặng hỏi. Hứa Do kể lại chuyện nghe vua Nghiêu muốn truyền ngôi, lấy làm khó chịu nên phải rửa tai. Sào Phủ nghe xong, bèn lẳng lặng dắt trâu đi nơi khác. Hứa Do cũng thấy lạ, hỏi, Sào Phủ trả lời: “Tôi sợ trâu của tôi uống nước anh vừa rửa, cũng bị nhiễm bẩn”.

Câu chuyện Hứa Do - Sào Phủ đã trở thành biểu tượng kinh điển về những người không ham danh lợi, quyền lực. Ở đời, khó nhất vẫn là biết nhận ra mình “là ai, ở đâu, như thế nào”để có vị trí thích hợp. May thay, vẫn còn người thích giữ mình cho trong sạch, như Hứa Do, không để thói hư tật xấu trong xã hội nhiễm vào mình. Nhưng vấn đề còn ở chỗ không chỉ là giữ mình, mà phải ngăn không cho “ô nhiễm” lan tràn trong xã hội. Dòng sông Dịch Thủy không thể tự giữ sạch khi Hứa Do xuống rửa tai. Vì vậy, còn phải có những người ngăn kẻ “gây ô nhiễm” như Sào Phủ.

Trực Tử

Tin xem nhiều