Cái gì muốn mà không đạt được thì người ta thường hay ước. Điều gì ước mà khó thành hiện thực thì mong thần tiên hoặc ông Bụt ban cho. Ngày xưa Bụt thường ban cho ba điều ước.
Cái gì muốn mà không đạt được thì người ta thường hay ước. Điều gì ước mà khó thành hiện thực thì mong thần tiên hoặc ông Bụt ban cho. Ngày xưa Bụt thường ban cho ba điều ước. Trong thời buổi cơ chế thị trường, Bụt hạn chế việc cho không, nên chỉ còn ban một điều ước. Ước gì? Để làm gì? Điều đó tùy thuộc vào chữ TÂM của người được ban điều ước.
Trong lần tham quan Canada, đến quán phở người Việt ở Chinatown thuộc Toronto, một thành viên đoàn Việt Nam hỏi chủ quán: “Sao ở đây nhiều quán của người Hoa, ít quán của người Việt quá vậy?”. Chủ quán phở Việt đáp: “Trước đây người Việt mở quán đông lắm, nhưng rồi lần lượt dọn đi cả. Người Hoa đến sau, lâu dần hình thành Chinatown”. Thành viên đoàn Việt Nam ngạc nhiên: “Vì sao vậy?”. Chủ quán rót ly trà, ngồi xuống ghế kể chuyện: “Có anh người Việt được Bụt ban cho một điều ước, với điều kiện anh ta ước được một thì người hàng xóm được gấp đôi. Anh người Việt nọ vốn ghen ghét người hàng xóm đã lâu nhưng chưa biết phải làm sao. Được dịp này, anh ta ước được mù một mắt để người hàng xóm mù cả hai mắt cho bõ ghét”.
Câu chuyện của anh chủ quán phở thay lời giải thích về một nét xấu xí của người Việt ta: Đáng lẽ hợp tác giúp nhau vượt khó vươn lên để hình thành cộng đồng giàu mạnh thì lại thường GATO (ghen ăn tức ở), tìm cách hại nhau khiến thành viên cộng đồng Việt dễ xa nhau, yếu đi, nhất là trong môi trường cạnh tranh đồng nghiệp.
Người Việt ta ơi, hãy liên hiệp lại!
Trực Tử