Báo Đồng Nai điện tử
En

Ánh đèn khuya

09:11, 04/11/2015

Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai vừa công diễn vở cải lương dàn dựng mới Ánh đèn khuya. Nội dung vở diễn dựa trên cốt truyện ghi trong chính sử, được hư cấu nghệ thuật gắn với chủ đề thời sự: Trách nhiệm của người đứng đầu.

Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai vừa công diễn vở cải lương dàn dựng mới Ánh đèn khuya. Nội dung vở diễn dựa trên cốt truyện ghi trong chính sử, được hư cấu nghệ thuật gắn với chủ đề thời sự: Trách nhiệm của người đứng đầu.

Tổng binh Trần Đại là viên tướng trẻ, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ biên cương, được dân Trấn Biên mến mộ. Vợ chồng quan thống suất Trương Vĩnh mắc bệnh GATO (ghen ăn tức ở) tạo cớ, sàm tấu khiến Chúa Ninh phải thiết triều nghị xử. Triều thần hai phe trung nịnh ra sức tranh cãi. Chúa Ninh công chính đáng lẽ đã nhận ra đen trắng, đúng sai; nhưng Chúa hoài nghi, truyền giam Trần Đại vào ngục, sai giám quan vào Trấn Biên tra xét.

Ba tháng sau, kết quả tra xét được sáng tỏ, Chúa trừng phạt gian thần.  Trung thần Trần Đại đã mỏi mòn, kiệt sức, chết trong tù. Bản án kết thúc, nhưng tòa án lương tâm của Chúa vẫn trăn trở với những câu hỏi lớn về trách nhiệm của người đứng đầu. Trong nỗi đau mất chồng, Mạc Hà trần tình với Chúa về lòng tin của thần dân đối với “đèn trời soi xét”. Lúc đó, Chúa Ninh ngộ ra: Ánh đèn không tỏa sáng dưới chân đèn.

Đúng là, thường dân luôn mong chờ và yêu cầu cao “đèn trời soi xét” của bề trên. Đêm càng khuya, càng cần đến ánh đèn. Nhưng, ánh đèn không tỏa sáng dưới chân đèn. Nỗi đau trách nhiệm của Chúa Ninh là ánh đèn công lý đã không soi sáng ở triều đình, mới có chỗ cho bọn gian thần Nguyễn Lộc, Trương Vĩnh lộng hành.

Nỗi đau của Chúa Ninh thực là bài học quý của người đứng đầu thời nay về tinh thần trách nhiệm trước dân, nhất là trong việc đánh giá nhân tài và trận địa chống tham nhũng.

Trực Tử

 

Tin xem nhiều