Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà thơ múa kiếm

10:10, 11/10/2015

Giới võ thuật còn nhớ chuyện Tản Đà múa kiếm. Do có ý nuôi mộng hào kiệt đuổi giặc cứu nước, Tản Đà theo học kiếm thuật với Đỗ Đình Đạt (Tư Đạt), con của một đô thống Cần Vương - Đỗ Đình Thuật.

Giới võ thuật còn nhớ chuyện Tản Đà múa kiếm. Do có ý nuôi mộng hào kiệt đuổi giặc cứu nước, Tản Đà theo học kiếm thuật với Đỗ Đình Đạt (Tư Đạt), con của một đô thống Cần Vương - Đỗ Đình Thuật. Ông Tư Đạt đón Tản Đà về trang ấp của mình ở  Đông Sành, huyện Cầu Rào, Hải Phòng. Tản Đà thường cùng Tư Đạt múa kiếm vào những đêm trăng. Tư Đạt có cặp song kiếm, tặng nhà thơ thanh Thư kiếm, còn giữ lại thanh Hùng kiếm.

Một ngày nọ, Nguyễn Tuân cùng một số bạn thơ đến thăm Tản Đà ở Hà Đông, bày tiệc rượu nhắm với cá nướng. Có bạn thơ đề nghị: “Người ta đồn cụ múa kiếm có nhiều đường đẹp mắt. Anh em hôm nay muốn được xem”.

Tản Đà rút thanh kiếm từ ống tre dắt trên mái nhà. Trong gian nhà tối lờ mờ được che chắn kỹ lưỡng, mọi người thấy một bóng trắng lượn múa trên hai bộ ngựa ghép sát lại. Dáng múa kiếm rất đẹp: tiến lên, lùi xuống, chém trên, đỡ dưới, đường kiếm lúc nào cũng che kín người. Trong những đoạn loạn đả, ông Tản Đà có những miếng xả và tuốt rất lợi hại. Không biết lúc thực sự chiến đấu thì kiếm thuật sẽ như thế nào nhưng bài múa kiếm của nhà thơ trong cơn tửu hứng quả là đặc sắc, người xem vỗ tay tán thưởng, không ngớt lời khen.

Nghe lời khen, Tản Đà như sực tỉnh, buông kiếm, ngồi thừ người, than rằng: “Hay ho gì kiếm thuật của nhà thơ. Đã là kiếm sĩ sao không múa kiếm ở sa trường, giết giặc cứu nước, lại khoe kiếm ở tiệc rượu thế này? Đã là thi sĩ, sao không có thơ hay, lại đi khoe tài múa kiếm?”.

Từ đó, không ai thấy Tản Đà múa kiếm nữa, chỉ thấy thêm nhiều thơ hay. Vậy mới là thi sĩ Tản Đà. Khác hẳn với những người thích nổi tiếng khoe danh đủ thứ, trừ nhiệm vụ chính của mình. Hổng biết, trên đời này có bao nhiêu nhà thơ múa kiếm hoặc múa nhiều thứ khác nhỉ?

Trực Tử

Tin xem nhiều